14/07/2023
Hướng dẫn kỹ thuật trồng chuối tiêu

tai-xuong-5


- Thời gian trồng: Cây chuối từ khi trồng đến khi trổ hoa phải mất từ 8 đến 10 tháng ở vùng đất thấp, lâu hơn ở những vùng đất cao và tùy theo khả năng chăm bón; nếu chăm bón tốt cây sẽ ra hoa sớm hơn cây chăm bón kém. Với giống chuối tiêu từ khi trổ hoa đến khi thu hoạch thường phải mất khoảng 3 tháng.

Nếu tính từ khi mầm chuối bắt đầu nhú đến khi cây ra hoa chuối tiêu khoảng 9 tháng, từ khi trổ hoa đến khi chín nếu thời tiết nắng nóng khoảng 3 tháng, nếu thời tiết lạnh thì cần thời gian từ 100 – 105 ngày. Nếu muốn chuối chín vào dịp Tết cần trồng vào khoảng 15 tháng 8 năm trước; nếu trồng khóm chuối đã trồng sẵn, thì để lại các chồi nhú vào tháng 11 năm trước. Vùng Đồng bằng Sông Hồng, để thu hoạch chuối tiêu vào dịp Tết nên trồng ngay sau Tết.

- Chọn giống:

+Trồng bằng giống nuôi cấy mô: sẽ cho chất lượng cây giống tốt, không sâu bệnh, biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, nên mua của những địa chỉ làm giống hợp pháp, tin cậy có uy tín cao.

+ Tự làm giống: Chọn những khóm chuối khỏe mạnh không sâu bệnh, năng suất cao, buồng to, trái đều, chất lượng tốt để khai thác cây giống để trồng. Có thể dùng mai, để tách các cây con đã lớn, mập hoặc dùng các củ (kể cả các củ của cây mẹ đã ăn buồng) có một vài mầm mới nhú; lấy dao sắc cắt gọt hết rễ lấy thuốc hóa học phun đều khắp củ để diệt các bệnh nấm, tuyến trùng, đem xếp vào chỗ râm mát, lấy rơm, rạ phủ kín và tưới ẩm để cây lên mầm tốt.

1. Làm đất:

Chọn đất tơi xốp, thoáng khí, tiêu nước và giữ ẩm, tầng canh tác dày, mạch nước ngầm cách mặt đất trên 60 cm, hàm lượng mùn trên 2%, độ pH 5-7. Đất không bị ô nhiễm, nguồn nước tưới sạch.

Cày sâu 0,5 m làm nhỏ, tơi xốp, làm sạch cỏ, rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng; nếu chân ruộng có thể bị ngập úng khi mưa to cần lên luống, có rãnh rộng 40cm, sâu 40 cm để thoát nước, mặt luống rộng 2m.

2. Chuẩn bị hố trồng: 

Kích thước hố 40 cm x 40 cm x 45 cm (dài, rộng, sâu), hố cách hố 2m.

Đào hố cần để riêng lớp đất mặt và lớp đất cái. Bón lót phân vào đáy hố, lấp phân bằng đất mặt, đặt cây rồi lấp bằng đất cái. Theo cách đó, bộ rễ của cây con không bị ảnh hưởng, phân và dinh dưỡng của lớp đất mặt được sử dụng hoàn toàn.

3. Trồng cây:

Tốt nhất là nên trồng cây vào sáng sớm hoặc chiều mát. Tưới đủ nước cho cây trước khi trồng, xé bỏ trước, đặt cây vào hố lấy đất nhỏ lấp đầy hố, lấy tay ấn chặt xung quanh cây, tưới nước. Sau trồng từ 12 đến 15 ngày cây ra lá mới.

4. Chăm sóc:

Trồng dặm: Sau trồng 15 ngày cây nào chết thì trồng dặm. Khi trồng dặm lấy cây cùng lứa với cây trong vườn, không trồng cây lớn hoặc bé hơn, kết hợp làm sạch cỏ dại.

Làm cỏ: Sau trồng 30 - 45 ngày thì làm cỏ, làm cỏ là việc làm quanh năm trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây. 

Tưới nước:

Nếu trời không mưa, đất khô cần tưới thường xuyên 2 ngày một lần, mỗi lần 4 - 5 lít/cây trong thời kỳ sau trồng 1 tháng. Thời kỳ sau đó tưới mỗi lần 5 - 10 lít/cây sao cho duy trì độ ẩm đất 75-80%. 

Bón phân:

Bón lót: Bón mỗi hố 15 kg phân hữu cơ đã ủ hoai mục, 0,5 kg lân supe và 0,5 kg vôi bột.

Bón thúc: 

- Lượng bón cho 1 cây: 0,6 kg đạm urê, 1kg kaliclorua.

- Cách bón: Xới rãnh theo vòng tròn cách gốc khoảng 50 cm, rải phân, lấp đất và tưới giữ ẩm.

Lần 1: Sau trồng 10 ngày: 5 % đạm urê + 5% kaliclorua 

Lần 2: Sau trồng 1 tháng: 5 % đạm urê + 5% kaliclorua 

Lần 3: Sau trồng 2 tháng: 10% đạm urê + 10% kaliclorua  

Lần 4: Sau trồng 3 tháng: 20% đạm urê + 20 % kaliclorua  

Lần 5: Sau trồng 5 tháng: 20% đạm urê + 20 % kaliclorua 

Lần 6: Sau trồng 7 tháng:  20% đạm urê + 20 % kaliclorua 

Lần 7: Sau trồng 9 tháng:  20% đạm urê + 20 % kaliclorua. 

Sau trồng làm sạch cỏ và khi cây chuối đã ra được 2-3 lá mới, lấy ni long màu đen che kín mặt luống để tránh cỏ dại và giữ ẩm cho đất, nhưng không che kín hết phần xung quanh thân cây. Ngoài ra có thể dùng như rơm rạ, mùn cưa, bã mía... Những loại này sau phân huỷ bổ sung hữu cơ cho cây trồng.

Mỗi khóm để 1- 2 chồi cho vụ sau. Các chồi khác phải bỏ đi để tránh cạnh tranh về dinh dưỡng. Chọn những chồi khỏe mạnh ở những vị trí đối xứng qua thân cây mẹ, chọn những chồi đồng đều nhau, nằm trên cùng hàng với cây mẹ.

Để tránh lây bệnh từ cây này sang cây kia, dụng cụ cần phải được khử trùng sau mỗi lần sử dụng bằng dung dịch formaldehit 10% trong 10 giây hoặc 5% trong 30 giây. Dùng dao sắc cắt bỏ lá già và lá bị bệnh trên cây. Cắt bỏ tất cả những lá bị treo trên cây và cả những lá chỉ còn dưới 50% diện tích lá khỏe mạnh và đặt giữa các hàng chuối. Nếu diện tích lá khỏe mạnh còn trên 50% thì không nên cắt bỏ mà chỉ cần làm vệ sinh. Cắt bỏ bắp chuối ở vị trí khoảng 10 cm dưới nải quả cuối cùng và đồng thời bao buồng quả.

Bao buồng quả

Buồng quả chuối thường được bao bởi túi nilon. Loại túi bao buồng này có công dụng giữ cho quả khỏi bị sâu bệnh gây hại và thúc đẩy quả phát triển, nhất là trong điều kiện lạnh. Buồng quả cần được bao sớm ngay sau khi quả bắt đầu cong lên. Buộc chặt túi ở phía trên và mở ở phía dưới.

5. Thu hoạch.

Sau khi chuối đã già, đến thời điểm thu hoạch, dùng dao sắc cắt cuống buồng chuối, quay chống ngược buồng chuối xuống đất để nhựa chảy và không dính vào quả chuối, sau đó xếp vào dụng cụ đem chuối về nơi cất giữ tránh để chuối bị xây sát vỏ.

Mai Loan

 

 

In tin    Phản hồi    Lượt truy cập: 302