11/12/2019
Hướng dẫn kỹ thuật trồng vừng vụ xuân

 

Hiện nay có 2 giống vừng:

Vừng đen: Dễ trồng, mọc khỏe, sai quả, thời gian sinh trưởng 3 - 3,5 tháng, thích hợp với nhiều loại đất có thể trồng được đất đồi núi.

Vừng trắng: Chín sớm hơn vừng đen, thời gian sinh trưởng 2,5 - 3 tháng, thích hợp với việc trồng xen.

Vừng có thể gieo trồng quanh năm, trách ra hoa đậu quả lúc thời tiết quá lạnh, hoặc quá nóng làm cho cây không đậu quả, năng suất, chất lượng thấp.

 

1.Thời vụ gieo trồng

Vụ Xuân: Gieo trồng từ 15/02 - 20/02 hàng năm.

2.Chuẩn bị giống.

Nên mua giống ở những cơ sở sản xuất và kinh doanh giống cây trồng có uy tín và hợp pháp để có giống khỏe, không sâu bệnh.

Trước khi gieo hạt giống cần mang hạt giống phơi lại dưới nắng nhẹ 2-3 giờ,  tiến hành gieo thử để kiểm tra khả năng nảy mầm của hạt giống, nếu tỷ lệ nảy mầm đạt trên 80% mới đem gieo.

3.Làm đất.

Đất trồng vừng: Thích hợp trên các loại đất thịt nhẹ, đất cát pha và thoát nước tốt, độ PH từ 5,5 đến 6,5.

          Làm đất: Tiến hành cày bừa kỹ, làm sạch cỏ dại, phơi ải 10 ngày; bón lót toàn bộ vôi, phân hữu cơ, sup e lân và clorua kaly, bừa lại lần cuối, sau đó phun thuốc diệt mối, cà cộ, kiến… bằng những loại thuốc có trong danh mục quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Lượng phân bón:

Lượng bón cho 1 sào (360m2): 2,5 kg đạm urê + 19 kg supe lân + 4 kg kali clorua + 40 kg phân chuồng + 15 kg vôi.

Làm luống: Làm luống cao 20cm, luống rộng 2 m, rãnh rộng 30cm, mặt luống cao ở chính giữa và thoải sang 2 phía mép luống để thoát nước tốt khi gặp mưa to.

3.Kỹ thuật gieo hạt giống.

Gieo thưa, lượng hạt giống 5kg/ha; trước khi gieo xử lý hạt giống bằng các loại thuốc xử lý nấm, theo hướng dẫn trên bao bì. Có thể gieo bằng 2 cách:

Cách 1: gieo đều trên mặt luống.

Ưu điểm: đỡ tốn công làm rãnh.Thích nghi với đất đồi dốc.

Nhược điểm: khó làm cỏ vun xới đất.

Cách 2: Làm rãnh ngang hoặc dọc theo chiều dài của luống, mỗi rãnh cách nhau 15 – 20 cm.

Ưu điểm: dễ làm cỏ, xới xáo, chăm sóc. Phù hợp với đất ruộng phẳng.

Nhược điểm: Tốn công khi làm đất, lên luống.

Bón thúc:

Trong trường hợp đất cằn cỗi, sau khi cây cao khoảng 10cm, lá có hiện tượng đỏ, cây cằn cần bón thêm phân đạm, với lượng 1 kg/sào bắc bộ để kích thích cây phát triển lúc nhỏ.

Chăm sóc:

 Sau gieo hạt nếu ẩm độ đất thấp hơn 50% cần tưới ẩm để cây dễ nảy mầm , sinh trưởng và phát triển bình thường. Cần chú ý tỉa thưa những chỗ cây mọc quá dầy, kết hợp xáo xới, làm sạch cỏ dại.

Khi cây bắt đầu ra hoa, đậu quả khoảng 25 ngày sau gieo; cần phải tưới đủ ẩm cho cây để ra hoa kết quả và nuôi quả tốt.

Phòng trừ sâu, bệnh.

Vừng là loại cây trồng có sức sống rất cao, ít bị sâu bệnh, nhưng vẫn phải thường xuyên thăm đồng ruộng để phát hiện sâu bệnh phá hoại. Khi có sâu bênh phs hoại cần báo cho cán bộ bảo vệ thực vật địa phương để có kế hoạch phòng trừ kịp thời.

4. Thu hoạch.

Khi cây vừng có 3/4 số lá chuyển sang màu vàng, quả đã cứng, chuyển màu vàng xanh, là thu hoạch được. Dùng liềm, dao sắc cắt gốc cách mặt đất từ 10 - 15cm, đem phơi khô, sau đó chuyển sang giai đoạn tách hạt. Có thể dùng máy vò hoặc dụng cụ đập thủ công để lấy hạt ra khỏi quả, làm sạch bụi bẩn, hạt lép, đem phơi khô, đóng túi bảo quản.

T.H

In tin    Phản hồi    Lượt truy cập: 2859