19/06/2024
Kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây có múi an toàn dịch bệnh

 

Những năm gần đây, nhờ tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất các loại cây trồng chính đều tăng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mở rộng diện tích của cây bưởi thì người dân còn gặp nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc và bảo vệ thực vật. Phòng trừ sâu bệnh đặc biệt là đối với bệnh Greening, bệnh đốm đen trên quả, bệnh chảy gôm trên thân,… người dân thực hiện nhưng hiệu quả không cao do không nắm bắt được triệu chứng, thời điểm xuất hiện cũng như các thuốc đặc trị đối với bệnh. Sau đây chúng tôi chia sẻ một số kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây có múi an toàn dịch bệnh.

- Về canh tác:

+ Trồng bằng cây giống sạch bệnh, được sản xuất trong hệ thống nhà lưới và được ghép từ các cây mẹ đầu dòng đã được tuyển chọn, làm sạch bệnh là lưu giữ trong nhà lưới.

+ Phân bón: Bón đúng theo quy trình canh tác. Tăng cường sử dụng phân hữu cơ, không lạm dụng phân hóa học. Phân chuồng phải được ủ cùng các chế phẩm sinh học có vi sinh vật đối kháng như Tricoderma, Bacillus,… để hoai mục.

+ Cắt tỉa theo các đợt lộc xuân, hè, thu, đặc biệt là sau khi thu hoạch cần tỉa bỏ các cành vượt, cành trong tán, cành bị sâu bệnh, cành trong tán và các cành quá cao trên ngọn cây. Sau đậu quả ổn định cần tỉa bỏ các quả bị sâu, bệnh hại, các chùm quả quá nhiều, chỉ để tối đa 1 - 2 quả/chùm.

+ Sau các đợt mưa lũ, vườn bị ngập nặng, cần xới phá váng xung quanh gốc cây cho thông thoáng, tưới các chế phẩm sinh học và chế phẩm kích thích ra rễ như Humix, Fulvic,…

+ Hàng năm quét vôi toàn bộ gốc cây 2 lần, đầu và cuối mùa mưa, sử dụng vôi bột để khử trùng vườn và tăng pH, nhặt các quả bị sâu, bệnh đem ra khỏi vườn tiêu hủy. - Về bảo vệ thực vật:

+ Bệnh Greening cần sử dụng Kit chẩn đoán để loại bỏ các cây bị dương tính đối với bệnh ngay từ khi còn nhỏ. Đối với các cây đang cho quả, cắt bỏ bớt các cành bị bệnh, tiếp tục chăm sóc tới khi thu hoạch quả, sau đó cần có phương án loại bỏ và thay thế cây bị bệnh. Áp dụng các biện pháp chăm sóc cho cây ra lộc tập trung, khi cây nhú lộc từ 1 - 2cm cần lưu ý phòng trừ rầy chổng cánh.

+ Bệnh đốm đen trên quả cần thường xuyên kiểm tra vườn, giai đoạn từ sau đậu quả ổn định đến khi quả lớn hết sức, sử dụng các thuốc hóa học có hoạt chất như Azoxystrobin, Propineb,… để phòng trừ.

+ Bệnh thối rễ, chảy gôm khi cây bị bệnh nhẹ, chỉ có vài vết chảy gôm có thể dùng dao sắc, cạo bỏ lớp vỏ bị bệnh vào tới phần gỗ, cạo rộng ra xung quanh vết bệnh 2 - 3cm. Dùng các thuốc trừ bệnh có hoạt chất Azoxystrobin, Propineb,… pha theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất bôi vào vết cạo. Đối với các cây bị bệnh nặng có thể sử dụng phương pháp tiêm thuốc Agri-fos 400 của Viện Bảo vệ thực vật. Tiêm 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa. Sau khi xử lý thuốc cần kết hợp với việc sử dụng chế phẩm sinh học để tưới vào gốc nhằm đem lại hiệu quả cao và bền vững.

+ Các sâu, bệnh hại khác tuân thủ chặt theo quy trình của viện và hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

- Về sản xuất theo quy trình VietGAP:

+ Tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất VietGAP như có biển cảnh báo, chỉ dẫn, có nơi xử lý thuốc, kho chứa vật tư,…

+ Thường xuyên ghi chép nhật ký về thời tiết, công tác chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây bưởi. Ghi cụ thể công việc làm hàng ngày, thời gian phun thuốc, loại thuốc và đối tượng phòng trừ.

+ Đảm bảo thời gian cách ly của thuốc bảo vệ thực vật đối với sản phẩm khi thu hoạch và tiêu thụ.

 

Kiều Anh

In tin    Phản hồi    Lượt truy cập: 11379