17/10/2022
Kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và sử dụng một số giống cỏ.

0fbfd8ff9e88b87fcad1716485053a28

Ảnh minh họa 

1.    Cỏ sữa (Panicum maximum) ( Còn gọi là cỏ Ghinê, cỏ sữa Nghệ An, cỏ Tây Nghệ An);

Hiện nay, từ giống cỏ trên các nhà khoa học đã tạo ra nhiều giống cỏ khác nhau trong đó có giống Ghinê-TD58 cho năng suất cao (80 – 120 tấn/ha/năm), nếu trồng thâm canh có thể đạt cao hơn, chất lượng tốt thích nghi với nhiều vùng đất khác nhau, trâu, bò và dê rất thích ăn.

Hình dạng và đặc tính

- Thân mang hoa cao 1 – 1,5m; lá nhỏ màu xanh xám đến xanh đậm, tùy giống.

- Là cỏ hòa thảo sống lâu năm, mọc thành cụm, chịu hạn khá tốt, không chịu úng.

- Có khả năng chịu bóng vừa (những rừng mới trồng, vườn cây ăn quả chưa khép tán), tái sinh nhanh vào đầu mùa mưa. Vụ đông hầu như không sinh trưởng.

- Ra hoa nhiều lần trong năm, đặc biệt, trong điều kiện chăm sóc kém. Có thể thu hạt để gieo vào vụ sau. Khi thấy hạt bắt đầu rụng: Một tay túm một số bông lắc mạnh cho hạt bắt đầu rụng vào thúng hoặc nia, hong khô trong bóng râm. Bảo quản tốt tránh thối, mốc.

Kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc.

Gieo hạt

Chọn đất nhiều mùn, dọn sạch cỏ dại, rác, cuốc đất, đập nhỏ giống như chuẩn bị đất để gieo hạt cải hoặc các loại rau khác. Những nơi đất sét, đất thịt cần trộn thêm mùn, trấu để dễ nhổ đi trồng sau này. Chú ý không để gia súc phá hoại. Hạt trước khi gieo phải tẩm qua dầu hỏa hoặc thuốc trừ sâu, thuốc diệt kiến, nếu không làm như vậy kiến sẽ tha hết hạt.

Rải đều hạt trên mặt luống, sau đó phủ một lớp đất mịn, tủ bằng rác đã băm nhỏ để giữ ẩm.

Dùng bình ô doa tưới nhẹ, đảm bảo đủ độ ẩm để hạt mọc đều. Sau 3 – 5 ngày cây bắt đầu mọc.

Khi cây mọc cao 15 – 20 cm, nhổ đem trồng vào những ngày trời mát như trồng bằng gốc.

- Thời vụ tốt nhất là đầu mùa mưa – Chọn đất thoát nước.

- Bón phân ( cho 100m2 ): phân chuồng mục – 100kg, lân – 2,5kg, kali – 0,7kg. Bón theo hàng trước khi đặt giống.

Cách trồng: Tách giống 4 – 5 dảnh liền khối.

Đào rãnh thành hàng sâu 10 – 15cm, như trồng khoai lang gơ (đối với đất phẳng), cuốc hố với đất dốc (như trồng sắn) hoặc trồng theo rãnh đồng mức. Trồng theo khóm, cách nhau 20 – 30cm, hàng cách nhau 50 – 70cm. Có thể trồng thành bang cách nhau 5 – 7 m trên đất dốc để chống xói mòn.

Chăm sóc: Khi thấy cỏ mọc trở lại cần bón thúc bằng phân urê: 0,80 – 1kg/100m2 cho mỗi lứa cắt, 0,50 – 0,80/100m2 cho mỗi kỳ chăn thả.

Đầu mùa mưa, cày xả giữ hàng, bón thúc (cho 100m2) 50 – 100kg phân chuồng mục, 2,5kg lân, 0,7kg kali. Lấp đất kết hợp làm cỏ.

Thu hoạch và sử dụng

- Lứa đầu: Sau khi trồng 60 – 80 ngày, cắt chừa gốc 10 – 15cm.

- Các lứa sau: Cắt khi thảm cỏ cao 45 – 60cm.

- Chăn thả: Năm đầu sau hai lứa cắt mới cho chăn thả (để cỏ bám chắc vào đất).

- Các lứa sau cách nhau 30 – 40 ngày, chăn liên tục 3 – 4 ngày.

- Cho ăn tươi ngay trên đồng hoặc cắt cho ăn tại chuồng.

- Làm cỏ khô: Khi gia súc không ăn hết, nhất là trong vụ hè – thu, nên cắt khi thấy cỏ bắt đầu ngậm đòng, phơi khô dự trữ cho mùa đông thiếu cỏ. Không nên để cỏ quá già ra hoa. Làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến năng suất lứa cắt tiếp theo hoặc làm chết toàn bộ bãi cỏ, phải trồng lại.

2. Cỏ long Para (Brachiaria mutica)

Hình dạng và đặc tính

Là cỏ hòa thảo lâu năm, thân bò lan, nhiều long mịn, có thể chịu được đất úng ngập tạm thời, khả năng chịu lạnh tương đối khá. Mùa đông vẫn có thể cho năng suất chất xanh cao.

Kỹ thuật nuôi trồng và chăm sóc

Thời vụ: Suốt mùa mưa nhưng không quá muộn

Đất: Có thể trồng trên đất ven ao, ven đường, bãi giữa và bãi ven sông, làm đất tùy theo địa hình. Rạch hàng sâu 10 – 15cm, cách nhau 50cm.

Bón phân lót (cho 100m2): 100  - 200kg phân hữa cơ, 2,5kg lân, 0,7kg kali.

Cách trồng: Chọn thân bánh tẻ, cắt thành đoạn 25 – 30cm: trồng mỗi khóm 3 – 4 hom, cách nhau 30cm. Lấp đất dày 7 – 10cm, dẫm chặt.

Chăm sóc: Sau khi trồng một tháng, cần làm cỏ dại và xới váng. Sau mỗi lứa cắt bón thúc urê 1,0 – 1,2kg/100m2. Có thể tưới nước phân hoặc bón phân hữu cơ tùy theo điều kiện. Bón thúc hàng năm: Phân chuồng 50 – 100kg, lân 2,5kg, kali 0,7kg cho 100m2.

Thu hoạch và sử dụng

Cắt lứa đầu sau khi trồng 60 – 70 ngày, các lứa sau khoảng 40 ngày (không nên để quá già sẽ cứng và nhiều xơ, giá trị dinh dưỡng giảm). Cho ăn tươi là chính nhưng cũng có thể làm cỏ khô hay cỏ ủ xanh.

 Mai Loan

 

 

 

 

 

 

In tin    Phản hồi    Lượt truy cập: 320