Kỹ thuật nuôi và nhân giống cá lóc 

Được đăng : 13-12-2016 13:53:56
Kỹ thuật nuôi và sản xuất giống cá lócNuôi cá lóc trong ao.Điều kiện ao nuôi.Diện tích từ 500-1000m2, ao có dạng hình chữ nhật để dễ quản lý và chăm sóc. Ao sâu từ 1,5-2m. Đỉnh bờ cao hơn mực nước ao nhất về mùa mưa lũ là 0,6-0,8m. Bờ ao chắc chắn không có hang hố khe kẽ, không rò rỉ nước. Để hạn chế cá lóc nhảy vượt bờ chạy trốn, trên đỉnh bờ ao phải căng lưới hoặc cắm đăng để bảo vệ. Đăng hoặc lưới cao 0,5-0,8m, cắm xiên về phía lòng ao một góc 30o.Chọn cá giống nuôi.Cá giống thả phải đồng cỡ, khỏe mạnh không bị dị hình, xây xát vảy vây, thân cá có màu xám trắng. Cá mua ở nơi khác về nước khi thả xuống ao phải được tắm trong dung dịch nước muối nhạt và được nuôi tạm ở trong giai từ 4-5 ngày để tuyển chọn cá khỏe, đồng cỡ và cho cá quen với môi trường chật hẹp. Giai chứa cá có kích thước 2x3x1,5m cắm ngập nước 1m và cách đáy từ 0,5-1m. Tùy theo cỡ cá giống mà mật độ thả khác nhau:- Cỡ cá 5cm/con thả mật độ 50 con/m2 ao.- Cỡ cá 7 cm/con thả mật độ 20 con/m2.- Cá cỡ 10 cm/con thả mật độ 10 con/m2.- Cá cỡ 15 cm/con thả mật độ 5 con/m2.Phổ biến hiện nay thường thả cá giống cỡ 7 hoặc 10cm/con vì thả cá nhỏ để thuần hóa hơn.Cá lóc lớn nhanh và sự phân đàn rõ rệt, do đó nuôi sau 1,5-2 tháng thì phải tuyển chọn cá đồng cỡ để san ao.Thức ăn và cách cho ăn.Cá lóc thích ăn mồi sống. Nếu cho ăn thức ăn chế biến, phải có thời gian thuần dưỡng cá.Nếu nuôi cá dùng thức ăn là..

Kỹ thuật nuôi và sản xuất giống cá lóc
Nuôi cá lóc trong ao.
Điều kiện ao nuôi.
Diện tích từ 500-1000m2, ao có dạng hình chữ nhật để dễ quản lý và chăm sóc. Ao sâu từ 1,5-2m. Đỉnh bờ cao hơn mực nước ao nhất về mùa mưa lũ là 0,6-0,8m. Bờ ao chắc chắn không có hang hố khe kẽ, không rò rỉ nước. Để hạn chế cá lóc nhảy vượt bờ chạy trốn, trên đỉnh bờ ao phải căng lưới hoặc cắm đăng để bảo vệ. Đăng hoặc lưới cao 0,5-0,8m, cắm xiên về phía lòng ao một góc 30o.
Chọn cá giống nuôi.
Cá giống thả phải đồng cỡ, khỏe mạnh không bị dị hình, xây xát vảy vây, thân cá có màu xám trắng. Cá mua ở nơi khác về nước khi thả xuống ao phải được tắm trong dung dịch nước muối nhạt và được nuôi tạm ở trong giai từ 4-5 ngày để tuyển chọn cá khỏe, đồng cỡ và cho cá quen với môi trường chật hẹp. Giai chứa cá có kích thước 2x3x1,5m cắm ngập nước 1m và cách đáy từ 0,5-1m. Tùy theo cỡ cá giống mà mật độ thả khác nhau:
- Cỡ cá 5cm/con thả mật độ 50 con/m2 ao.
- Cỡ cá 7 cm/con thả mật độ 20 con/m2.
- Cá cỡ 10 cm/con thả mật độ 10 con/m2.
- Cá cỡ 15 cm/con thả mật độ 5 con/m2.
Phổ biến hiện nay thường thả cá giống cỡ 7 hoặc 10cm/con vì thả cá nhỏ để thuần hóa hơn.
Cá lóc lớn nhanh và sự phân đàn rõ rệt, do đó nuôi sau 1,5-2 tháng thì phải tuyển chọn cá đồng cỡ để san ao.
Thức ăn và cách cho ăn.
Cá lóc thích ăn mồi sống. Nếu cho ăn thức ăn chế biến, phải có thời gian thuần dưỡng cá.
Nếu nuôi cá dùng thức ăn là mồi sống nên dùng cá tạp, cá con (cá mè) hoặc nuôi cá rô phi sinh sản trong ao cá lóc để tạo thức ăn. Tùy theo cỡ cá lóc nuôI, mà sử dụng kích cỡ con mồi cho phù hợp (chiều ngang của con mồi phải nhỏ hơn chiều rộng của mồm cá lóc).
Nếu dùng thức ăn chế biến, phải đảm bảo đạm chiếm 30-35% và phải luyện cho cá có thói quen phản xạ đớp mồi. Thức ăn chế biến thường là cá tạp xay nhuyễn (80%), cám gạo (15%) và rau xanh 8%. Rau xanh và cám nấu chín làm nhuyễn trộn với cá tạp nắm thành nắm nhỏ. Thời gian đầu, nên thả từ từ thức ăn để cá quen phản xạ bắt mồi. Lượng thức ăn hằng ngày chiếm từ 8-10% khối lượng cá nuôi. Thời gian đầu, ngày cho ăn từ 4 đến 5 lần, khi cá đã quen ăn mồi thì giảm xuống hai lần ngày.
Chăm sóc và thu hoạch.
Trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra ao, quan sát hoạt động của cá, kiểm tra thức ăn và đăng cống để kịp thời xử lý.
Cá lóc tuy hung dữ, nhưng lại rất thích yên tĩnh. Do đó trong quá trình nuôi không nên làm cho cá bị xáo động. Cá rất dễ bỏ ăn, hoặc chạy trốn khi môi trường không yên tĩnh.
Cá nuôi được 5-6 tháng, thì thu hoạch. Cá lóc hay chui rúc xuống bùn để ẩn náu, do đó phải đầu tư nhiều công để thu hoạch cá. Sau khi tháo cạn nước, phải dọn sạch các đám bèo, bụi cây, cỏ ở đáy ao để mò bắt cá.
Kết quả nuôi cá lóc ở ao hiện nay năng suất bình quân 8-12 tấn/ha. Cỡ cá thu hoạch 500-600g/con. Thời gian nuôi từ 5-6 tháng, tỷ lệ sống 80% và hệ số thức ăn là 8-10.
Kỹ thuật sinh sản cá lóc.
Ngoài tự nhiên, cá lóc thường đẻ từ tháng 4 đến tháng 6, cá đẻ trong các đám cây cỏ, cá bố mẹ bảo vệ trứng. Khi trứng nở thành cá con, chúng đi thành đàn ăn nổi. Khi cá lớn, 3-4cm cá tự lập tách đàn đi kiếm ăn, lúc đó các bố mẹ cũng tách đàn.
Cá bố mẹ cho đẻ.
Cá đực có đặc điểm: Phần bụng và ngực có màu xám đen, vây bụng đen hoặc màu hồng sẫm. Bụng nhỏ lỗ sinh dục hẹp và hơi lõm vào, lỗ sinh dục và lỗ hậu môn của cá xa nhau.
- Cá cái: Vây ngực trắng hoặc hơi vàng, thân ngắn, đầu nhỏ hơn con đực, lỗ hậu môn và lỗ sinh dục gần nhau. Vào mùa sinh sản con cái bụng to, mềm, lỗ sinh dục có màu hồng nhạt.
Chọn cá đực và cá cái nặng từ 0,5-1,5kg, và 1 tuổi trở lên, không dị hình, không bị xây xát vảy, vây.
Cá bố mẹ trước khi cho đẻ đã được nuôi vỗ từ tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau (2-3 tháng).
Cho cá đẻ nhân tạo.
Tiêm kích thích cá đẻ bằng cách dùng não thùy thể cá chép, cá mè và thuốc HCG (Prolan B), có thể dùng riêng từng loại hoặc hỗn hợp các loại liều lượng như sau: 4-6 cái não thùy cá chép (12-18mg) cộng với từ 1600-2400 UI (đơn vị) HCG tiêm cho một cá cái. Đối với cá đực tiêm bằng 1/2 liều lượng cho cá cái. Đối với cá cái tiêm 2 lần, lần đầu tiêm 1/3 lượng thuốc, cách nhau 12 giờ sau tiêm phần thuốc còn lại. Cá đực tiêm một lần cùng với lần thứ 2 tiêm cho cá cái. Tiêm vào gốc vây ngực của cá. Sau khi tiêm lần thứ 2,8-10 giờ cá sẽ đẻ.
Bể cho cá đẻ thường dùng là bể xây, dung tích từ 2-4m3, hoặc cho đẻ trong giai mau đặt ở ao. Sau khi cá đẻ 2 giờ, lấy trứng ra ấp ở chậu, nếu sản xuất lớn cho ấp ở bề vòng với mật độ 100.000 trứng/m3 cho nước chảy nhẹ. Sau 24 giờ đến 36 giờ trứng sẽ nở thành ấu trùng, 4 ngày sau khi nở ấu trùng tiêu hết noãn hoàng thành cá bột. Lúc đó, đem cá bột ương thành cá hương và cá giống.
Nhờ sinh sản được giống cá lóc, những năm gần đây việc nuôi cá lóc ở ao, ở bè càng phát triển. Ngoài phương pháp cho cá đẻ nhân tạo, nhân dân ở vùng Đồng Tháp Mười còn tiến hành cho cá đẻ tự nhiên trong ao bằng cách chọn cá bố mẹ thành thục đưa vào ao nuôi và làm tổ cho cá đẻ. Tổ là những đám cỏ, hoặc dùng các đám cỏ buộc thành túm. Cá đẻ trứng vào các đám cỏ, sau đó vớt trứng mang đi ấp. Phương pháp này đơn giản nhưng không thể khống chế được mật độ cá bột thu được.