Giàu lên từ nuôi cá mú 

Được đăng : 13-12-2016 16:26:16
Ông Huỳnh Văn Chiều, Phó Chủ tịch xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương cho biết đảo có chu vi 7,5 km, gồm 2 ấp Bãi Nam và Bãi Chướng là những nơi tập trung hằng trăm ghe thuyền đánh cá và trên 130 lồng bè nuôi cá mú, một loài cá có giá trị kinh tế rất cao và đang được phát triển nuôi ở các vùng biển ven đảo từ 2002 đến nay.Cá mú vùng biển đảo Hòn Nghệ có nhiều loại nhưng bà con ngư dân khai thác đưa vào lồng bè nuôi chỉ có hai loại: mú sao và mú đen. Vào thời điểm này, giá thương phẩm cá mú sao lên tới 370.000đ/kg, thời gian nuôi là 10 tháng, còn cá mú đen chỉ nuôi trong 5 tháng, bán ra với giá 110.000đ/kg. Chính vì giá cá mú sao cao như thế nên số hộ nuôi chiếm tỉ lệ trên 90%. Anh Nguyễn Văn Năm, một dân chài, cuộc sống thiếu trước hụt sau nhưng..

Ông Huỳnh Văn Chiều, Phó Chủ tịch xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương cho biết đảo có chu vi 7,5 km, gồm 2 ấp Bãi Nam và Bãi Chướng là những nơi tập trung hằng trăm ghe thuyền đánh cá và trên 130 lồng bè nuôi cá mú, một loài cá có giá trị kinh tế rất cao và đang được phát triển nuôi ở các vùng biển ven đảo từ 2002 đến nay.
Cá mú vùng biển đảo Hòn Nghệ có nhiều loại nhưng bà con ngư dân khai thác đưa vào lồng bè nuôi chỉ có hai loại: mú sao và mú đen. Vào thời điểm này, giá thương phẩm cá mú sao lên tới 370.000đ/kg, thời gian nuôi là 10 tháng, còn cá mú đen chỉ nuôi trong 5 tháng, bán ra với giá 110.000đ/kg. Chính vì giá cá mú sao cao như thế nên số hộ nuôi chiếm tỉ lệ trên 90%. Anh Nguyễn Văn Năm, một dân chài, cuộc sống thiếu trước hụt sau nhưng từ khi chuyển sang nuôi cá mú từ năm 2005 đến nay, mỗi năm thả 1.000 con mú sao, sau khi trừ hết các chi phí còn lời trên 100 triệu đồng. Nuôi cá mú ở vùng biển Hòn Nghệ trở thành một nghề dễ kiếm tiền hơn hết, với điều kiện có vốn và kinh nghiệm.
Ông Huỳnh Văn Thoại, 59 tuổi, một người có nhiều kinh nghiệm nuôi cá mú ở ven biển Hòn Nghệ cho biết thông thường mỗi lồng bè nuôi cá mú có diện tích từ 40 – 100 m2, sâu từ 3,5 – 4 m, chi phí khoảng 30 triệu đồng, chưa kể tiền cá giống, cá mồi và công chăm sóc. So với các loài cá khác, cá mú dễ nuôi và lớn nhanh hơn, nhưng do thời tiết và nguồn nước, đôi khi cá mú cũng bị ghẻ và các bệnh lây truyền khác khiến cho đàn cá bị hao hụt. Muốn cho cá phát triển nhanh người nuôi phải chủ động đề phòng các loại bệnh gây cho cá, trong đó phần kỹ thuật là hết sức quan trọng, nhất là lồng nuôi, lưới bao phải bảo đảm an toàn, cá mồi sạch và nước không bị nhiễm bẩn.
Điều khó khăn nhất hiện nay là nguồn cá giống, đa số người nuôi cá mú ở Hòn Tre, Hòn Nam Du, Hòn Nghệ (Kiên Giang) đều chọn cá giống từ thiên nhiên nên giá giống rất cao (340.000 đ/kg/mú sao). Anh Huỳnh Văn Tiền, một tay thợ lặn chuyên săn cá mú giống ở Hòn Nghệ cho biết: Nhiều nơi, người ta đánh bắt cá mú bằng câu hoặc lưới cào ở độ sâu đến vài chục mét. Anh em tụi tui không có phương tiện đánh bắt hiện đại nên phải ra xa bờ vài chục cây số rồi neo thuyền (sử dụng ống thở) lặn sâu xuống hằng chục sải nước để tìm các rạn ca, sau đó mới dùng lưới bao vây. Cá mú có con to đến 5-6 kg thường bán cho các thương lái để cung cấp cho các nhà hàng hoặc xuất khẩu, cá nhỏ giao cho các chủ nuôi. Cá bắt được phải bảo quản thật tốt bằng cách cho thở oxy trước khi thả xuống lồng bè.
Cá mú hiện nay là một loại thực phẩm hảo hạng, một đặc sản có giá trị xuất khẩu khá cao của Kiên Giang nên hàng không đủ cung. Do đó, số người nuôi ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng khan hiếm cá giống và có nguy cơ cạn kiệt nếu như ngành hải sản chưa có kế hoạch tạo ra con giống theo công nghệ hiện đại.