Quy trình ương cá măng giống trong bể xi măng tạo thuận lợi cho người nuôi trồng thủy sản 

Được đăng : 13-12-2016 13:59:28
Từ trước đến nay, nguồn cá măng giống vẫn được vớt từ tự nhiên nên người dân thường không chủ động được số lượng nguồn cá giống thả nuôi, chất lượng cá cũng không được bảo đảm trong quá trình vớt và vận chuyển. Kỹ sư Lê Văn Sinh cho biết: “Tỉnh Bình Định là một trong những nơi có nguồn cá măng bột dồi dào, nhưng chúng ta chưa tận dụng hết tiềm năng này. Ngoài nguồn cá măng xuất hiện theo mùa vụ, một số hộ nuôi đã chủ động ương nuôi cá măng giống trong ao đất nhưng tỷ lệ cá sống không cao vì người nuôi chỉ nuôi theo kinh nghiệm là chính nên những yếu tố về độ mặn, mật độ, loại thức ăn... không đảm bảo cho quá trình sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá măng giống”.Qua quá trình tìm hiểu về mùa vụ, địa điểm xuất hiện, những thí nghiệm về các ngưỡng độ mặn khác nhau, quá trình nuôi đối chứng giữa ao đất và ao xi măng... nhóm nghiên..

Từ trước đến nay, nguồn cá măng giống vẫn được vớt từ tự nhiên nên người dân thường không chủ động được số lượng nguồn cá giống thả nuôi, chất lượng cá cũng không được bảo đảm trong quá trình vớt và vận chuyển. Kỹ sư Lê Văn Sinh cho biết: “Tỉnh Bình Định là một trong những nơi có nguồn cá măng bột dồi dào, nhưng chúng ta chưa tận dụng hết tiềm năng này. Ngoài nguồn cá măng xuất hiện theo mùa vụ, một số hộ nuôi đã chủ động ương nuôi cá măng giống trong ao đất nhưng tỷ lệ cá sống không cao vì người nuôi chỉ nuôi theo kinh nghiệm là chính nên những yếu tố về độ mặn, mật độ, loại thức ăn... không đảm bảo cho quá trình sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá măng giống”.
Qua quá trình tìm hiểu về mùa vụ, địa điểm xuất hiện, những thí nghiệm về các ngưỡng độ mặn khác nhau, quá trình nuôi đối chứng giữa ao đất và ao xi măng... nhóm nghiên cứu đã đưa ra những kết luận: cá măng bột xuất hiện vào tháng 4- 9 hàng năm, nhiều nhất tại vùng cửa Đề Gi (Phù Mỹ), ngưỡng độ mặn của cá măng bột và cá măng giống là 0-650/00, mật độ thích hợp ương trong bể xi măng từ giai đoạn cá bột lên cá giống là 200 con/m2... Đồng thời, qua quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã xây dựng quy trình ương nuôi cá măng giống trong bể xi măng từ xây dựng bể ương, kỹ thuật vận chuyển cá, đến quá trình nuôi và thu hoạch cá măng giống.
Tại Bình Định, cá măng (còn gọi là cá chua) bột phân bố tự nhiên ở nhiều khu vực khác nhau nhưng nhiều nhất là ở khu vực đầm Đề Gi (Phù Mỹ). Hoạt động nuôi cá măng của ngư dân trong tỉnh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, từ khâu vớt cá bột trong tự nhiên đến việc ương thành cá giống và nuôi thương phẩm. Cá măng là loài cá ăn tạp, thức ăn chủ yếu của chúng là các sinh vật nhỏ, mùn bã hữu cơ, tảo khuê, rong câu… Với những đặc điểm của cá măng như: nhanh lớn, ít dịch bệnh, có thể nuôi ghép, chất lượng thịt của cá cao, dễ tiêu thụ… nên cá măng là một trong những loài thích hợp cho mục đích đa dạng hóa các đối tượng trong nuôi trồng thủy sản.
Kỹ sư Hồ Phước Hoàn- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư và nghiên cứu kỹ thuật thủy sản tỉnh- cho biết: “Trong khuôn khổ của đề tài, chúng tôi đã cung cấp một số lượng đáng kể cá măng giống cho người dân ở Quy Nhơn, Tuy Phước và ở ngoài tỉnh. Theo thông tin phản hồi thì cá măng giống khi chuyển sang nuôi thương phẩm phát triển rất tốt. Chúng tôi sẽ chuyển giao quy trình cho các trại sản xuất tôm giống và những hộ dân có nhu cầu nhằm đảm bảo nguồn cá măng cung cấp cho người nuôi. Đây là nỗ lực nhằm giảm thiểu áp lực cho các vùng nuôi tôm bị dịch bệnh và đa dạng hóa các đối tượng thủy sản được nuôi”.
Những năm gần đây, vấn đề dịch bệnh tôm bùng phát, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Một trong những nguyên nhân là do sự mất cân bằng sinh thái từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản mang tính độc canh. Do vậy, vấn đề đa dạng hóa hình thức và đối tượng nuôi là một trong những biện pháp mang lại tính ổn định và góp phần tạo cân bằng sinh thái trong các vùng nuôi. Ngoài cá rô phi đơn tính, cua,... cá măng là một sự lựa chọn nữa mà người dân có thể nuôi xen với tôm.