00:00 Số lượt truy cập: 3231481

An Giang: Bắp lai giúp nông dân vùng đầu nguồn làm giàu 

Được đăng : 03/11/2016
Ông Phạm Phú Cường, Phó chủ tịch UBND xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết, tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp toàn xã là 3.193 ha, trong đó, bắp chiếm đến 1.074 ha. Mấy năm qua cây bắp lai trở thành thế mạnh chủ lực và bền vững của bà con nông dân ở vùng đầu nguồn này.

Về Phú Hữu mới thấy hết cái không khí khẩn trương tất bật và nụ cười rạng rỡ trên từng khuôn mặt của nhà nông. Họ đang bước vào vụ thu hoạch bắp lai, cho năng suất và sản lượng rất cao, năng suất trung bình tới 12 - 15 tấn/ha. Hiện nay, thị trường tiêu thụ bắp lai rất mạnh tại các chợ đầu mối và nhà máy. Chính vì thế, nguồn đầu ra bắp lai ổn định, thương lái từ TPHCM và các tỉnh miền Đông vào tận nơi mua với giá từ 3.000- 3.200 đồng/kg.

Nơi đây là vùng đầu "rốn lũ", được phù sa bồi đắp hàng năm. Ban đầu chỉ vài hộ chuyển lúa sang trồng bắp lai, thấy bắp quá hợp đất phù sa, thế là vụ sau bà con đồng loạt chuyển đổi. Ông Phạm Thiện Nhân, ngụ ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, một người có thâm niên trồng bắp lai cho biết: "Trước đây gia đình chỉ có 5 công ruộng, độc canh cây lúa, nhưng giá lúa tại thời điểm đó bấp bênh lắm, mần hoài mà không đủ ăn. Nhờ có cán bộ khuyến nông xuống tận nơi hướng dẫn và cung cấp giống bắp lai DK414 trồng thí điểm, kết quả vụ đó trồng bắp trúng to".

Đặc điểm cây bắp là dễ trồng, ít tốn chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc, mặt khác bắp trồng theo hàng dễ tăng vụ, khi cây bắp chừng 2 tháng tuổi nông dân bắt đầu mua bắp giống về trỉa, đến khi thu hoạch bắp lớn thì bắp nhỏ được 1 tháng tuổi, cứ thế mà nông dân sản xuất được mỗi năm 3 vụ bắp. Hiện nay ông Nhân có 25 công đất chuyên trồng bắp lai, mỗi năm, ông bỏ túi hơn 100 triệu đồng, trở thành người giàu có nhất nhì xã.

Nhiều hộ làm theo ông Nhân, điển hình hộ ông Trịnh Văn Trên, ngụ ấp Phú I, xã Phú Hữu, là một trong những người mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bắp lai. Gia đình ông Trên có 3 công ruộng sản xuất lúa, mỗi năm canh tác 2 vụ, vẫn thiếu trước hụt sau. Từ khi chuyển sang trồng bắp lai gia đình ông thoát nghèo. Ban đầu chỉ với 2 công đất trồng bắp lai, ông thu lời gần 10 triệu đồng/năm. Có vốn, ông Nhân mua thêm 10 công đất nữa để trồng bắp lai, dứt mỗi vụ sản xuất ông bỏ túi trên 25 triệu đồng. Nhờ đó ông cất lại ngôi nhà khang trang, trong nhà đầy đủ tiện nghi thay cho căn nhà lá xiêu vẹo năm xưa.

Khai thác tốt tiềm năng và lợi thế vùng đầu nguồn, hàng ngàn nông dân nơi đây trồng bắp lai trúng lớn cả về sản lượng và giá cả vụ xuân hè này. Giờ đây, cây bắp lai đã thổi nguồn sinh khí mới đến cuộc sống gia đình họ, nhiều hộ trồng bắp đã vươn lên khá, giàu. Phó chủ tịch xã Phạm Phú Cường nhận định: "Từ những kết quả đạt được, xã không ngừng bổ sung kịp thời giống bắp lai mới ngắn ngày như giống NK46, NK66, C919 nhằm bố trí thích hợp 3 vụ 1 năm và phù hợp với điều kiện sinh thái của vùng". Cũng theo ông Cường, nhu cầu sử dụng bắp lai chế biến thức ăn chăn nuôi hiện rất cao nên thị trường bắp luôn khan hiếm, có khi thương lái phải sang tận Campuchia mua. Do đó, hướng tới chính quyền địa phương mở lớp tập huấn cho nông dân để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cây bắp lai mang lại".