00:00 Số lượt truy cập: 2626907

“Thông mạch” cho các tổ chức KH&CN 

Được đăng : 03/11/2016
Tại buổi giới thiệu thông tư liên tịch giữa Bộ KH&CN, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định 115 (được tổ chức ngày 12/7 tại Hà Nội và ngày 17/7 tại Tp. HCM) nhiều đơn vị đã tìm được “chìa khóa” tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình chuyển đổi.

Ts. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Viện CSCLPTNNNT - Bộ NN&PTNT) cho biết: Từ trước đến nay,hoạt động của Viện vẫn dựa 100% kinh phí từ Bộ, chưa trở thành đơn vị sự nghiệp có thu. Nhưng cùng với việc Bộ NN&PTNT tổ chức sắp xếp lại các đơn vị nghiên cứu (từ 29 Viện xuống còn 16 Viện và trong 2 năm tới còn 6 Viện), tăng đầu tư cho KH&CN lên gấp 3 lần và từ năm 2005, khi Chính phủ ban hành Nghị định 115/2005/NĐ-CP, Viện CSCLPTNNNT đã nghiên cứu, đề xuất với Bộ NN&PTNT để chuyển đổi sang mô hình đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thêm vào đó, nông dân cũng đòi hỏi rất nhiều về đổi mới chính sách trong nông nghiệp. Trong quá trình chuyển đổi, Viện CSCLPTNNNT gặp nhiều vướng mắc như giao tài sản, máy móc, địa điểm làm việc... Tuy nhiên, với những hướng dẫn trong thông tư lần này, Viện CSCLPTNNNT đã tìm được hướng đi và nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình của Nghị định 115, và Viện có thể trả lương cao và chế độ đãi ngộ xứng đáng cũng như điều kiện làm việc để thu hút nhân tài.

Có cùng quan điểm này, Gs.Ts. Nguyễn Trường Tiến - Chủ tịch Hội cơ học đất và địa kĩ thuật công trình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội cho biết: Năm 2004, các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học kĩ thuật xây dựng đã cùng nhau góp vốn thành lập Công ty tư vấn AA, ngoài chức năng nghiên cứu khoa học, công ty này cũng làm nhiệm vụ chuyển giao những kết quả nghiên cứu của Viện vào sản xuất. Thêm vào đó, công ty còn được phép hợp tác quốc tế, vay vốn, kinh doanh... “Đó cũng là một dạng của mô hình 115, nhưng Công ty phải tự “mày mò” tìm hướng đi – ông Tiến cho biết. Vì vậy, 115 mở ra cơ hội lớn cho các đơn vị nghiên cứu khoa học, họ có thể vay vốn, tham gia đầu tư và có thể liên doanh với nước ngoài, được hạch toán quỹ lương như doanh nghiệp... Ông Tiến cũng đưa ra ví dụ về mô hình của Viện Hàn Lâm khoa học Trung Quốc. Thực tế đó tổ chức như một Tổng công ty, trong đó phần lớn nghiên cứu theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Thụy Điển cũng là nước rất thành công khi áp dụng mô hình này, họ chỉ kí hợp đồng và cấp kinh phí cho 30% số cán bộ làm việc cho Chính phủ. Còn lại Viện tự kí kết hợp đồng nghiên cứu theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.

Ông Tiến cho biết thêm: Công ty đang triển khai công nghệ làm nhà ở cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long với giá thành chỉ 600 nghìn/m2. Với mô hình này chúng tôi có thể đưa vào xây dựng nhà ở tái định cư. Chúng tôi cũng muốn thực hiện một “ý đồ”: đưa giá nhà ở xuống mức 1 triệu/m2. Khó khăn về vốn hy vọng sẽ được giải quyết khi chúng được hưởng những ưu đãi của mô hình này.

Ông Nguyễn Quân - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN) cho biết, với khoảng 560 tổ chức KH&CN công lập hiện nay, chỉ có 10% được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động, 70% phải chuyển sang mô hình tự trang trải kinh phí, khoảng 10% chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN và khoảng 10% phái sáp nhập hoặc giải thể. Tổ chức nghiên cứu khoa học hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách phục vụ quản lí nhà nước không thuộc diện bắt buộc chuyển đổi. Thời hạn để các tổ chức KH&CN công lập xây dựng đề án trình cơ quan chủ quản là trước ngày 30/9/2006, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án có trách nhiệm thẩm định và ra quyết định phê duyệt trước ngày 15/12/2006. Để khuyến khích các tổ chức KH&CN chuyển đổi trước năm 2009, Nhà nước hỗ trợ một lần kinh phí tối thiểu bằng 50% kinh phí hoạt động thường xuyên của các năm còn lại để đầu tư vào quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị để đầu tư phát triển.