00:00 Số lượt truy cập: 2691781

An Giang: “Chết đứng” trên đồng khoai mì 

Được đăng : 03/11/2016

Dự án nhà máy chế biến khoai mì (sắn) tại huyện Tri Tôn (An Giang) không hiệu quả, chết non từ năm 2003, nhưng hậu quả của nó còn mãi tận bây giờ.


Hàng ngàn hecta đất phải bỏ hoang, đẩy hàng ngàn hộ dân vào cảnh thống khổ.

Đồng hoang, dân khổ

Hơn 1.500ha đất canh tác trong vùng chữ U (thuộc xã Lương An Trà) bạt ngàn cỏ dại. Đó đây các tuyến kênh đọng phèn nước quánh lại màu nâu sẫm, các con mương lớn, nhỏ đều trơ đáy nứt nẻ... Tại khu T5 (xã Vĩnh Phước) cũng mênh mông cỏ dại. Khoảng 1.000ha bên vùng Cà Na mùa này phần lớn cũng bỏ hoang.

Những cánh đồng hoang ấy vốn là vùng nguyên liệu của dự án nhà máy tinh bột khoai mì (KM), do UBND tỉnh An Giang giao cho Công ty xuất nhập khẩu nông sản Afiex làm chủ đầu tư, được thực hiện chủ yếu bằng nguồn vốn chương trình 773 của Chính phủ.

Năm 1998, cùng với xây dựng nhà máy chế biến tinh bột công suất 60 tấn/ngày (kinh phí 50,63 tỉ đồng), tỉnh qui hoạch vùng nguyên liệu 3.000ha để nhà máy quản lý và đơn vị này đã giao đất cho hàng ngàn hộ kinh tế mới đến nhận khoán trồng KM với thời hạn hợp đồng 20 năm.

Bán đất

Đến nay, số đất thực tế đã giao QSDĐ cho những hộ trồng KM trước đây chừng 500ha. Tại vùng chữ U, nhà máy đã bán với giá 30 triệu đồng/ha, riêng Công ty Bảo vệ thực vật An Giang mua 400ha. Số đất đã bán là bao nhiêu, diện tích đã giao cho dân là bao nhiêu chẳng cơ quan nào biết.

Thay vì phần đất bán đó nên qui hoạch tập trung thì nhà máy lại bán từng thửa theo kiểu... da beo. Tại vùng chữ U, rất nhiều hộ trước kia sản xuất trên những lô đất gần kênh, bằng phẳng nay bị bắt nhận đất nơi khác. “Đất gần kênh, gần đường thì giao cho công ty, cho người của nhà máy, cho giới đầu cơ. Còn chúng tôi thì bị đẩy vô sâu trong hậu, bắt đi nhận đất trồng tràm bên vùng Cà Na. Đất trồng tràm không thể canh tác gì được mà lại bắt đóng thêm 10 triệu/ha tiền tràm!” - những hộ bị hoán đổi đất than vãn.

“Năm 1984 chúng tôi vào đây bỏ công khai phá, cải tạo đất hoang. Từ năm 1994 đã trồng lúa được hai vụ. Vậy mà bị ép buộc phải trồng KM. Không trồng cũng không được vì tỉnh cho lên đê bao khép kín” - nhiều hộ kể lại.

Thế nhưng, hoạt động vào năm 2000, đến 2003 nhà máy chế biến KM thua lỗ gần 20 tỉ đồng. Do thổ nhưỡng không phù hợp và hệ thống thủy lợi đầu tư 21,17 tỉ đồng hoàn toàn không có tác dụng tưới tiêu khiến người trồng cũng bị thua lỗ nặng nề.

Tháng 10-2003 dự án giải thể, thiết bị nhà máy mua 1.434.000 USD được bán lại chỉ có 11,8 tỉ đồng (750.000 USD) cho Công ty Mía đường Tây Ninh. Vùng nguyên liệu bỏ hoang, hàng ngàn hộ dân lâm vào cảnh thống khổ!

“Trả treo” với dân

Để bù đắp các khoản thua lỗ, đối với đất vùng nguyên liệu, tỉnh An Giang cho phép nhà máy được thu “chi phí đầu tư cải tạo đất” khi giao đất dài hạn cho số hộ nhận khoán trồng KM trước đây và cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua đất.

Ngày 13-2-2004, UBND tỉnh An Giang có thông báo số 37/TB.UB, theo đó những hộ sản xuất KM liên tục đến năm 2003 ngoài thanh lý công nợ phải nộp thêm 7-9 triệu đồng/ha cho nhà máy để được cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ). Còn các tổ chức, đơn vị, cá nhân muốn... mua đất thì nộp 30 triệu đồng/ha.

Tháng 9-2004, nhà máy bắt đầu tiến hành đối chiếu công nợ. Quá trình trồng KM trước đó các hộ đều thua lỗ nặng và còn nợ vốn đầu tư phân bón, thuốc trừ cỏ.

Theo tư liệu bà con cung cấp, giá vật tư nhà máy đưa ra thường cao hơn giá thị trường 10-15%, lại còn cộng thêm thuế 5-10%. Ngoài ra khi thanh lý công nợ họ bị tính đủ thứ phí như phí ủi đường, phí đào kênh, phí trạm bơm, phí mương tưới... mà mỗi thứ trung bình 1-5 triệu đồng/hộ/vụ.

“Mặc dù hệ thống thủy lợi đó xây dựng chẳng tới đâu, hoàn toàn không có tác dụng tưới tiêu và chính nó đã góp phần làm nặng nề thêm tình trạng trồng KM thất bát!” - nhiều người dân cho biết.

Các khoản trên cộng lại rồi kê thêm lãi suất 1,2-1,8% khiến số nợ tại thời điểm thanh lý của mỗi hộ “nhảy” lên hàng chục triệu. Ai không có khả năng chi trả thì không được giao đất. Quê ở Kiên Giang đi kinh tế mới năm 1994 khai phá 3,3ha đất trồng lúa, bị ép trồng KM liên tục từ năm 1998-2003, hộ Phạm Thành Công lỗ tiền nhà 40 triệu đồng, nợ nhà máy 20 triệu đồng. Số nợ sau đó bị đẩy lên 42 triệu đồng và nhà máy đã lấy đất của gia đình ông. Kể từ đó không còn cục đất chọi chim, con cháu phải trôi dạt làm thuê tứ xứ...

Để có đất canh tác, nhiều hộ phải cầm cố vay mượn để trả nợ, nộp phí cấp QSDĐ. Thế nhưng họ bị nhà máy gán cho cái “tội”... trồng KM không liên tục nên không giải quyết! Vụ KM 2003 nhà máy ngưng cung cấp giống, phân bón. Do thua lỗ liên tiếp họ không có khả năng tự đầu tư trồng KM tiếp tục nên nhà máy thu hồi đất.

Người dân kể năm ấy nắng hạn mà không có nước tưới khiến KM chết sạch. Chưa kịp trồng lại thì nhân viên nhà máy đã đến “mượn” đất với lời hứa mùa tới sẽ trả, nào ngờ chừng vài tháng sau nhà máy tuyên bố giải thể. “Lấy cớ đó họ bảo mình bỏ đất rồi không cho nhận đất với giá 7-9 triệu đồng/ha mà bắt phải nộp mức 20-30 triệu đồng/ha”, bà con ai nấy đều bức xúc kể.

Người dân còn khẳng định nhà máy biết trước chuyện giải thể đã tự ý quản lý đất trồng KM của họ để rồi sau đó bao chiếm hoặc bán sang tay cho giới đầu tư. Trong biên bản bàn giao đất lập đầu năm 2003 thể hiện rõ hộ Lê Văn Xếp trồng KM ở lô 8B liên tục tới tháng 4-2003.

Tuy nhiên khi xin cấp QSDĐ thì nhà máy viện đủ lý do để từ chối. Khiếu nại mãi cuối cùng được giải quyết nhưng ông bị buộc phải đóng tổng cộng 189.624.328 đồng...