Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã triển khai nhiều hoạt động, tập trung đưa nhanh các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cải thiện đời sống của hội viên, nông dân.
Hoạt động khoa học công nghệ của tỉnh tập trung nghiên cứu ứng dụng chuyển giao kỹ thuật công nghệ hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, cải tiến kỹ thuật… theo nhu cầu thực tế địa phương. Phần lớn các đề tài dự án tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm phát huy thế mạnh của địa phương về lúa, rau màu, thuỷ sản. Các đề tài, dự án trên lĩnh vực nông nghiệp đều có sự phối hợp tham gia của cán bộ kỹ thuật và nông dân địa phương, qua đó các kết quả chuyển giao ứng dụng ngay trong thực tế. Trong đó, có thể kể đến một số dự án như: Dự án xây dựng chất lượng và thương hiệu lúa gạo An Giang về tiêu chuẩn Global Gap; Dự án “một phải, năm giảm”; Dự án dùng biện pháp sinh học nấm xanh để trừ rầy; Dự án về sản xuất rau an toàn do HND tỉnh phối hợp và trực tiếp thực hiện tại 8 xã của 2 huyện Chợ Mới và An Phú. Dự án cung cấp thông tin cho người nông dân trồng lúa đã hỗ trợ 152 máy vi tính, máy in và 5 máy tính xách tay cùng các thiết bị kết nối internet.
Thực hiện theo Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có một số mô hình như: Sản xuất rau màu trong nhà lưới, nhà vòm; mô hình sản xuất nấm bào ngư, nấm linh chi; mô hình sản xuất lúa theo phương pháp sinh học, đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần tác động tư tưởng của nông dân và kích thích nhu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng và bền vững. Thực hiện mô hình cánh đồng lớn do công ty BVTV An Giang, đã mang lại hiệu quả tăng thêm hàng trăm tỷ đồng cho nông dân tỉnh nhà.
Ngoài ra, Hội còn phối hợp với dự án Happel giới thiệu 02 nông dân tham gia lắp đặt thử nghiệm hệ thống công nghệ để thực hiện dự án ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động nông nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt và thuỷ sản./.