00:00 Số lượt truy cập: 3227440

An Giang: Làng bè suy sụp 

Được đăng : 03/11/2016
Mười năm trước mọi người nhìn các ông chủ bè cá với ánh mắt kính nể vì nắm trong tay bạc tỉ. Còn bây giờ các tỉ phú ngày xưa đang mang nợ... như chúa chổm.

Từ 4.200 bè cá nay làng bè An Giang chỉ còn khoảng 2.200 bè, trong đó số bè thực nuôi cá chưa đầy 50%.

Tỉ phú hết... tiền

Ấp Phước Thọ, xã Đa Phước (An Phú, An Giang) từng được mệnh danh là “làng tỉ phú” bởi cả huyện An Phú có khoảng 1.000 bè cá thì riêng ấp này chiếm hơn 300 bè, nhưng hiện nay chỉ còn chưa đầy 200 bè, trong đó chỉ có khoảng 80 bè còn nuôi cá. Số còn lại lớp bị “xẻ thịt” bán gỗ, lớp bỏ phế, lớp bị ngân hàng xiết nợ. Trưởng ấp Nguyễn Phước Hải kéo chúng tôi ra tấm bảng thông tin trước trụ sở, chỉ cho xem hàng loạt thông báo hòa giải, thông báo đưa vụ án ra xét xử của Tòa án nhân dân Châu Phú, cười chua chát: “Toàn là án giữa mấy ông chủ bè cá và ngân hàng. Làng bè hết thời rồi”.

Trên sông Hậu, mấy trăm chiếc bè còn lại của An Phú, Châu Đốc vẫn dập dềnh trên sóng nước nhưng không còn khung cảnh náo nhiệt ngày xưa. Thỉnh thoảng mới thấy một, hai bè tỏa khói trên lò nấu thức ăn cho cá. Ông Huỳnh Văn Sến (Sáu Sến) - một trong hàng trăm “đại gia tỉ phú cá bè” một thời lừng lẫy trên sông Hậu với hơn 30 năm trong nghề bè nay cũng trắng tay.

Ông Sáu Sến kể: “Năm 1993 bắt đầu làm ăn lớn, bỏ ra hơn 600 triệu đồng đóng hai chiếc bè loại 100 tấn. Đến năm 2002 đầu tư 1,4 tỉ đồng đóng thêm hai chiếc bè loại 150 tấn”. Cũng trong năm này, ông liên tục thua lỗ vì giá cá tra bè rớt thê thảm, ông đánh liều chơi canh bạc chót: gom góp vốn liếng hơn 200 triệu đồng xây một đăng quầng ven bờ để gỡ gạc. Nhưng hai năm liền (2003-2004) thả 400.000 con cá tra giống vào nuôi trong đăng quầng cũng... lỗ trắng tay. Nợ ngập đầu, ông Sáu Sến phải kêu bán bè đóng năm 1993 với giá 30 triệu đồng/chiếc, bè đóng hồi 2002 giá 90 triệu đồng/chiếc và mang nhà máy nước đá thế chấp ngân hàng mới đủ tiền trả nợ nuôi cá rồi ngậm ngùi nhìn đăng quầng bỏ hoang vì hết vốn đầu tư.

Ở ngã ba sông Hậu, sông Châu Đốc có một địa điểm mà không một chủ bè nào muốn nhìn tới đó là bãi xẻ thịt bè cá bán phế liệu. Chủ bãi xẻ thịt bè cá, bà Tám Điểm, cho biết năm 2005 nuôi cá lỗ lã nặng nề nên mấy anh em bà mang hơn 40 chiếc bè đến đây xẻ thịt bán phế liệu. Lâu ngày các chủ bè khác hay tin bèn đem bè đến bán, bà Tám mua hết với giá chỉ 10-15% giá trị chiếc bè. “Ở đây ai muốn mua thứ gì của nhà bè cũng có: gỗ sao, cà chất, vách ván, sạp, đố ngang, đố dọc, mái tôn, chảo đun nấu thức ăn cho cá, máy xay thức ăn... giá cực kỳ rẻ”, bà Tám chỉ đống cây gỗ ngổn ngang trên bãi, khoe.

Ở làng bè Châu Đốc hiện nay có nhiều nhà bè bỏ hoang, chiếc tốc mái, chiếc thì nghiêng, chìm... Nhiều bè cá là nhà ở của gia đình chủ bè, khi ngân hàng xiết nợ thì gia đình chủ bè phải bồng bế đi nơi khác kiếm sống. Những cái tên tỉ phú cá bè nổi đình nổi đám ngày xưa như Lê Văn Liết, Bo, Thọ, Chín Đậm, Út Lít, Ba Thành... dần phai nhạt trong ký ức mọi người.

Hết thời

Theo ông Phan Văn Danh - chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản tỉnh An Giang, trước đây ngoài hiệu quả kinh tế, An Giang còn xem làng bè là một nét văn hóa đặc sắc của tỉnh, nay nghề nuôi cá bè suy sụp, tìm ra giải pháp cứu làng bè là chuyện cấp bách nhưng... khó quá.

Còn theo ông Ngô Công Hoạch, cán bộ văn phòng UBND xã Đa Phước, vô phương cứu vãn vì nghề nuôi cá tra hầm phát triển quá nhanh. Đầu tư 1,5 tỉ đồng chỉ nuôi được 100 tấn cá tra bè, trong khi cùng số vốn này có thể nuôi được vài trăm tấn cá tra hầm. Hơn nữa cá tra hầm ít bị bệnh chết hàng loạt như cá tra bè, tỉ lệ philê cá hầm cao hơn.

“Các ngân hàng sẵn sàng cho các chủ bè vay vốn tái sản xuất nhưng với điều kiện phải trả hết nợ tồn đọng và phải có phương án khả thi để bảo đảm hoàn vốn”, ông Trần Văn Ánh, trưởng phòng tổng hợp chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh An Giang, cho biết. Tuy nhiên các chủ bè nói điều kiện do ngân hàng đưa ra còn khó hơn... lên trời bởi nghề nuôi cá bè đang trong tình cảnh vô phương cứu vãn.

Làng bè hơn trăm năm tuổi của An Giang đã “hoàn thành nhiệm vụ lịch sử” bởi hiện nay là thời hoàng kim của nghề nuôi cá tra hầm, nhiều người nhận định như vậy.