00:00 Số lượt truy cập: 2678446

An Giang, Lúa cấy - kỹ thuật mới trong "3 giảm, 3 tăng" 

Được đăng : 03/11/2016
Ở An Giang, việc cấy lúa bây giờ không còn là chuyện khó nhọc của nông dân. Trước đây, kỹ thuật cấy chỉ áp dụng trong việc nhân giống hoặc chọn tạo, phục tráng giống nguyên chủng, siêu nguyên chủng. Nay, nông dân đã áp dụng đại trà trên diện tích sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao.

Nơi áp dụng kỹ thuật trồng lúa cấy đầu tiên là ở Bình Hòa (Châu Thành), rồi hình thành nhiều đội nông dân đi cấy thuê chuyên nghiệp. Nông dân Từ Thanh Vân (Bình Hòa) kể, tôi lom khom cấy lúa dưới ruộng, nhiều người đứng trên bờ đê cười mỉa mai. Đến khi lúa trổ, bông to, bằng ngọn, ai thấy cũng mê xin đổi làm giống. Từ 10kg giống MTL 58 mua ở Viện Lúa Ô Môn gieo mạ cấy được 2 công tầm cắt, thu hoạch 140 giạ (8,5 tấn/ha), nhiều người học cách làm theo rồi trở thành nông dân cấy giỏi ở xứ này. Nông dân Nguyễn Thanh Tùng (Vĩnh Bình) sau lớp học FFS, đã áp dụng kỹ thuật cấy bụi một tép để phục tráng giống nguyên chủng. Anh cho biết, cách làm này mặt ruộng phải bằng phẳng, khử ốc bươu vàng và cỏ dại rồi giăng dây thẳng hàng là cấy. Còn ông Vân, mỗi vụ chọn một vài bông lúa đẹp gieo mạ trong sân rồi mang xuống ruộng cấy. Mấy ký lúa giống mua ở Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất giống (Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang) từ vụ đông xuân 1993-1994, đến nay vẫn tiếp tục tuyển chọn làm giống tốt. Thăm mô hình lúa cấy ở Châu Thành, một nhà khoa học ở Viện lúa ĐBSCL nhận xét, cách làm tuy có khác đôi chút, nhưng chung quy lại, kỹ thuật trồng lúa cấy của nông dân không kém gì các nhà khoa học.


Kỹ thuật canh tác lúa cấy bài bản nhất là ở Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất giống. Diện tích lúa cấy cả ba trại giống Bình Đức, Tà Đảnh và Định Thành có khoảng 250 ha, sản lượng thu hoạch từ 5.000-6.000 tấn/năm. Anh Hồ Hữu Trí, Trưởng Trại giống Định Thành cho biết, 28 loại giống lúa trồng ở trại đều canh tác theo kỹ thuật cấy mạ sân. Sử dụng 4kg lúa giống để gieo 10m2 mạ sân lót nylon, đủ để cấy cho 1.000m2 đất, bón phân cả vụ hết 15kg phân urê, 15kg kali, 10kg DAP và 10kg lân. Sau khi gieo mạ được 12-16 ngày là đem cấy, cự ly 44 bụi/m2 (bụi cách bụi 15cm). Sau khi cấy, áp dụng kỹ thuật bón phân: 3 đợt chính + bón lót và phun xịt phân bón lá trước và sau khi trổ bông, nuôi hạt. Thực hiện quy trình phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá theo khuyến cáo của Viện Bảo vệ thực vật. Theo anh Trí, cấy thủ công sẽ cơ động hơn trong điều kiện nền đất lún, tuy nhiên phải huy động số đông nhân công.

Kỹ sư Ngô Văn Hóa, Phòng Kỹ thuật-Trung tâm Khuyến nông An Giang nói rằng, sử dụng máy cấy sẽ rút ngắn được thời gian xuống giống đại trà. Lúa cấy càng phù hợp hơn trong điều kiện khan hiếm các giống lúa chống chịu rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Ở An Giang, Viện Cơ điện công nghệ sau thu hoạch đã chuyển giao 10 chiếc máy cấy lúa MC8-20 cho các HTX và nông dân (24,5 triệu đồng/máy), công suất cấy 8 giờ/1ha, bằng 20 thợ cấy giỏi, tiết kiệm được 90-120 kg giống/ha. HTX Nông nghiệp An Hòa (Châu Thành) đã thay thế sức người bằng máy cấy MC8-20 rất hiệu quả trong sản xuất vụ đông xuân 2006-2007.