Để khắc phục tình trạng khai thác triệt để cây dược liệu quí vùng Bảy Núi cho công tác từ thiện, tỉnh An Giang đã triển khai dự án trồng cây dược liệu quí dưới tán rừng ở vùng Bảy Núi.
Dự án tập trung sưu tầm và bảo tồn 155 loài dược liệu quí hiếm và cực kỳ quí hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Sau đó sẽ xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh cây dược liệu thuộc 9 xã miền núi thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Hiện nay, Cty Domesco (Đồng Tháp) đã ký hợp đồng với 166 hộ trồng gần 200 ha tại huyện miền núi Tri Tôn vào mùa mưa năm 2009 với 10 loại cây như gừng, nghệ, gấc, đinh hương, hà thủ ô đỏ, hà thủ ô trắng, quế, chuối hột, ngải các loại… theo cơ cấu 30% cây có thời gian sinh trưởng 6 tháng, 30% sinh trưởng 1 năm, 20% có thời gian sinh trưởng 2 năm. Người trồng cây dược liệu được Cty hỗ trợ vốn, cây giống, thu mua không giới hạn sản phẩm theo giá thời điểm và thu hồi vốn sau khi thu hoạch.
Để triển khai mô hình này, Phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn tổ chức cho người dân đi tham quan mô hình trồng thử nghiệm ngải đen, ngải vàng, đinh lăng lá nhỏ, sâm hồng, sâm đất, hà thủ ô, xuyên khung, trà tiên xen ca cao của hộ ông Phạm Văn Phước ở xã Ba Chúc, huyện Tịnh Biên. Cty Domesco Đồng Tháp cho biết sẽ thành lập trung tâm phát triển cây dược liệu tại huyện Tri Tôn để nhân, phân phối cây giống và thu mua sản phẩm và chế biến tại chỗ tiến tới hình thành một ngành sản xuất dược liệu lớn với qui mô hàng ngàn ha tại vùng Bảy Núi.
Hiện Cty đang tiến hành lập vườn ươm 1,5 ha để nhân, cấp giống cho người dân tham gia trồng. Bên cạnh đó, huyện Tri Tôn quy hoạch vườn ươm 1 ha kết hợp với trường Đại học Cần Thơ trước mắt nhân giống 11 loại cây theo đơn đặt hàng của Cty Domesco cung cấp cho người dân trồng vào mùa mưa 2009. Theo Chi cục Kiểm lâm An Giang, vùng Bảy Núi có tiềm năng dược liệu rất phong phú với 668 loài cây dược liệu quí hiếm, các cây có dược tính cao như sâm Ngọc Linh, sâm nam có giá trị trên chục triệu đồng/kg. Ngoài ra, khí hậu tại đây phù hợp trồng dược liệu dưới tán rừng không ảnh hưởng đến cây lâu năm.