Tết Nguyên Đán 2009 vừa qua đã mang đến một mùa xuân sung túc cho nông dân trồng huệ hương ở xã Phú An, huyện Phú Tân. Trung bình mỗi công huệ hương đã đem đến cho nông dân 25 triệu đồng lợi nhuận. Nay có dịp trở lại vùng đất phì nhiêu, chuyên cung cấp hoa màu vụ nghịch nổi tiếng ở huyện Phú Tân, như ớt, khổ qua, dưa leo, huệ hương…, chúng tôi lại có dịp thỏa thích ngắm nhìn những cành huệ trắng tỏa hương ngào ngạt trên cánh đồng. Thật lạ làm sao, từng cành hoa mỏng manh và yếu ớt này lại có thể đứng vững trước những cơn mưa đầu mùa xối xả như trút nước. Bất chấp nắng mưa, loài hoa trắng tinh khiết này vẫn luôn phát triển tốt và nở hoa đều đặn quanh năm suốt tháng, như tô điểm cho cuộc sống của những nông dân cần mẫn.
Anh Huỳnh Văn Sơn, ấp Phú Quới, xã Phú An, chủ nhân của vườn huệ hương này cho biết, mô hình trồng huệ hương được nông dân địa phương học hỏi trong một lần tham quan các mô hình phát triển kinh tế gia đình ở tỉnh Tiền Giang. Với 1.000m2 đất trống sau nhà, anh Sơn lên liếp trồng 40.000 củ huệ giống mua ở tỉnh Đồng Tháp. Sau 2 tháng rưỡi chăm sóc, ước tính chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… khoảng 7, 5 triệu đồng. Hiện nay, cứ 2 ngày anh Sơn thu hoạch từ 200 – 300 bông, bán cho thương lái với giá từ 1.000 – 1.600đồng/ bông, trừ chi phí anh Sơn lợi nhuận khoảng 300.000 đồng. Cá biệt vào những ngày rằm, lễ tết, huệ hương có giá cao gấp 4 - 5 lần ngày thường, vì vậy lợi nhuận của người nông dân cũng ngót ngét 25 triệu đồng/ công/ tháng.
Trong khi những cơn mưa đầu mùa vừa qua làm cho nông dân trồng hoa màu ở địa phương bồn chồn lo lắng, thì trái lại nó đã mang đến tín hiệu vui cho nông dân trồng huệ hương. Ông Lê Thái Dỏn, đang canh tác 2 công huệ hương ở ấp Phú Quới cho biết: Với đặc điểm chịu nước nên huệ hương phát triển rất tốt vào mùa mưa, cành hoa to và đều đặn hơn. Bình thường huệ hương rất ít bị nhiễm bệnh, người trồng chỉ cần chú ý đề phòng rệp sáp và nhện đỏ làm hư bông, như thế tạm gọi là thành công. Với kinh nghiệm 6 năm trong nghề trồng huệ, ông Dỏn đã tự tìm cách nhân giống để giảm tối đa chi phí sản xuất. Nhờ vậy, mà mỗi công huệ hương ông cũng tiết kiệm được 1,5 triệu đồng tiền giống cho mỗi vụ.
Hiện nay, đang vào mùa lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam, nhu cầu tiêu thụ huệ hương cũng tăng lên thấy rõ. Điều này không ngoài dự tính của ông Dỏn và nông dân ở đây. Để chuẩn bị cho vụ làm ăn khá lớn trong năm, ông quyết định vượt sông sang xã Tân Hòa, tỉnh Đồng Tháp mướn thêm 2 công đất canh tác để tăng thêm số lượng huệ cung cấp ra thị trường vào thời điểm khan hiếm này. Hiện nay, với 4 công huệ hương, trung bình mỗi ngày ông Dỏn thu hoạch khoảng 600 bông, lợi nhuận trên dưới 600.000 đồng. Thời gian thu hoạch có thể kéo dài suốt 2 năm.
Xã Phú An, huyện Phú Tân hiện có khoảng 50 hộ trồng huệ hương, trung bình mỗi hộ canh tác từ 2 đến 3 công, mỗi ngày cung cấp một số lượng lớn bông huệ cho thương lái trong và ngoài huyện. Ông Lê Thanh Dũng, Chủ tịch UBND xã Phú An cho biết: Lợi dụng ưu điểm của giống huệ hương là có thể phát triển cả vào mùa nắng lẫn mùa mưa, vừa dễ chăm sóc lại không tốn nhiều chi phí, nên những năm gần đây, mô hình này đã thu hút khá nhiều nông dân ở địa phương tham gia sản xuất, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.