00:00 Số lượt truy cập: 3230162

An Giang hỗ trợ các mặt hàng nông sản chủ lực xâm nhập thị trường 

Được đăng : 03/11/2016
Nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ, ngày 6/1, UBND tỉnh An Giang đã công bố Đề án “Xác lập khung chính sách tiếp cận, thiết lập và xâm nhập thị trường cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đa dạng có lợi thế của doanh nghiệp và người dân An Giang vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước đến năm 2020” (gọi tắt là đề án Khung chính sách).

Đây là điều kiện để các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh An Giang xâm nhập vào các hệ thống phân phối cũng như các thị trường khó tính trong và ngoài nước.

 

An Giang hỗ trợ các mặt hàng nông sản chủ lực xâm nhập
thị trường. Ảnh: vtv.vn
  


Đề án do Sở Công Thương tỉnh chủ trì, thực hiện với sự phối hợp của các thành viên như Sở Nông nghiệp, Khoa học công nghệ, Sở Kế hoạch, đầu tư…. nhằm tổ chức lại sản xuất theo hướng tiếp cận quản lý một cách có hệ thống theo chuỗi giá trị về nông nghiệp (bao gồm lúa-gạo, cá tra, tôm càng xanh, cây dược liệu, rau màu…), công nghiệp và chuỗi liên kết các sản phẩm về tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.

Theo đó, Đề án tập trung hỗ trợ nông dân, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, các cơ sở xay xát lúa-gạo; các doanh nghiệp kinh doanh lương thực, thực phẩm; các hệ thống phân phối, siêu thị, chợ đầu mối… vượt qua các rào cản thương mại, tiếp cận, xâm nhập thị trường trong và ngoài nước.

Trước mắt, Đề án ưu tiên đầu tư và nhân rộng 3 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hiện có trên địa bàn tỉnh An Giang gồm: chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu; tôm càng xanh và gạo đặc sản Jasmine. Sở Công thương sẽ tiếp tục nghiên cứu và xây dựng kế hoạch cụ thể để trình UBND tỉnh hàng năm trên cơ sở nhu cầu phát triển mới các mô hình chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ của của doanh nghiệp, nhà phân phối trong và ngoài nước.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, cho biết: n ếu như trước đây, hàng hóa của tỉnh An Giang chỉ có mặt tại thị trường các tỉnh lân cận, thông qua các hoạt động xúc tiến thị trường đã tạo điều kiện đưa hàng hóa của An Giang xâm nhập vào được những thị trường tiềm năng, khó tính như Nhật Bản, Hà Lan, Nga, Đức, Mêxicô, các nước châu Phi… đặc biệt, hàng hóa của các doanh nghiệp An Giang xâm nhập một cách sâu, rộng vào hệ thống phân phối của cả nước, khai thác hiệu quả thị trường nội địa.

Tính riêng hai năm 2013-2014, An Giang tổ chức 10 hoạt động giao thương kết nối doanh nghiệp An Giang với các địa phương lân cận nhiều tiềm năng như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đắklắc, Lào Cai, Lâm Đồng,… Đến nay, An Giang đã có 12 doanh nghiệp đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối trong nước với doanh thu gần 240 tỷ đồng.

Với việc An Giang đưa Đề án vào thực hiện sẽ là bộ khung chính sách chung, là hàng lang pháp lý thuận lợi nhất để các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh An Giang nâng cao năng lực cạnh tranh, xâm nhập mạnh hơn vào các kênh phân phối trong và ngoài nước. Tỉnh phấn đấu đến năm 2015, hàng hóa chủ lực của tỉnh sẽ xâm nhập vào hệ thống phân phối ngoài nước đạt khoảng 20-30% và đến năm 2020 đạt khoảng 60%; tỷ trọng thương mại của tỉnh An Giang năm 2015 sẽ đạt 1,2-1,3 tỷ USD và đến năm 2020 sẽ là 2 tỷ USD; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng năm (giai đoạn 2011-2020) đạt khoảng 11,38%/năm./.