An Giang là tỉnh độc canh cây lúa với diện tích đất nông nghiệp trên 500.000 ha, mỗi năm sản xuất 3 vụ lúa nên lượng rơm rạ thải ra sau mỗi vụ sản xuất rất lớn. Trước đây, luợng rơm được nông dân đốt bỏ hoặc thải xuống sông rạch, gây ô nhiễm môi trường và cản trở giao thông thủy. Những năm gần đây, nông dân ở một số địa phương của các huyện Châu Thành, Chợ Mới, An Phú cũng đã sử dụng rơm để trồng nấm nhưng với qui mô nhỏ lẻ và mang tính tự phát. Thấy kết quả lợi nhuận thu được từ nấm rơm cao gấp 4 đến 5 lần so với trồng lúa nên diện tích trồng nấm rơm của An Giang đã tăng lên nhanh chóng, đạt trên 2.000 ha vào năm 2007 với giá trị thu hoạch từ nấm rơm khoảng 150 tỷ đồng.
Để thực hiện được kế hoạch đưa nghề trồng nấm rơm trở thành nghề chính của các hộ nông dân nghèo, thiếu đất sản xuất ở các địa phương, Trung tâm khuyến nông tỉnh phối hợp với Hội Nông dân và UBND các huyện, thị, xã dành kinh phí gần 4 tỷ đồng để tổ chức 140 lớp dạy kỹ thuật trồng nấm rơm cho nông dân. Tỉnh còn yêu cầu các ngân hàng thuơng mại, chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển, chi nhánh Ngân hàng Chính sách - xã hội và các tổ chức tín dụng trên địa bàn có kế hoạch hỗ trợ vốn vay cho nông dân trồng nấm rơm. Bước đầu đã có gần 200 hộ nông dân được các ngân hàng cho vay gần 1 tỷ đồng để đầu tư trồng nấm rơm. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng chủ động quan hệ với các doanh nghiệp để giúp các tổ sản xuất, các hộ trồng nấm rơm ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm./.