00:00 Số lượt truy cập: 3230477

BRVT: Đảo Long Sơn, tan tác nghề nuôi hàu 

Được đăng : 03/11/2016
Dưới bè nuôi cá mặt nước lặng như tờ, không bóng cá quẫy. Trên bờ bao đầm nuôi hàu, xác hàu chất đống, cây trụ, tấm fibrôximăng trống hơ hoác hàu, đặc kịt sình đen...

Thật không thể ngờ, cái nghề nuôi thuỷ hải sản đặc biệt - con hàu - ở xã đảo Long Sơn (TP.Vũng Tàu - tỉnh BRVT), chỉ mới 6-7 năm, đã biến hàng nghìn hộ dân từ nghèo hèn thành triệu phú, nay tan hoang như thế này... Trong nước mắt, nông dân giỏi Cái Thị Bé Năm (thôn 10) tức tưởi: "Do sông ô nhiễm...!".

Nước mắt triệu phú hàu...

Khoảng năm 2000, một người dân đảo Long Sơn chợt thấy bất cứ vật gì ném xuống nước liền được hàu con theo bọt sóng bám vào dày đặc, bèn bỏ tiền mua lốp xe, gỗ, tôn quẳng xuống lòng sông. Sau 7-8 tháng, vớt lên bán, lời hàng chục triệu đồng.

Không tốn giống, không mất vốn, lại có thể tận dụng hoặc chỉ tốn rất ít tiền cho cây cứng, gỗ, lốp xe, mà thu lời gấp 4-5 lần, với dân nghèo đảo Long Sơn lúc đó, không còn gì bằng. Không tiền, thì chỉ cần vay ngân hàng chính sách, ngân hàng nông nghiệp chừng chục triệu, là năm sau thu gấp 3-4 lần. Nhà nhà nuôi hàu. Cứ thế con hàu đảo Long Sơn thành đặc sản đi khắp nơi, chui khắp nhà hàng TPHCM, Đồng Nai, BRVT...

Gia đình anh Hồ Văn Tôm, thời điểm năm 2000, cũng xác xơ nghèo, anh vơ vét vay mượn chỉ được có 5 triệu đồng. Thế rồi "quẳng" xuống lòng sông Rạng nuôi hàu, lúc thu về, lời gần gấp 5.

Năm sau, anh Tôm bỏ tất cả số tiền lời đó xuống sông, lại lời gần 60 triệu. 5 năm sau đó, tiền lời nuôi hàu cứ nhân lên, tính ra, trừ tất chi phí, anh thu về 150-200 triệu đồng/năm. Đổi đời là tất yếu!

Nói chuyện đổi đời nhờ con hàu nói riêng và các loại thuỷ hải sản khác như sò huyết, cá mũ..., ông Trần Văn Lực (thôn 1) cho hay, trước năm 2000, dân xã đảo nghèo lắm. Nhà nào có được 1 cái xe máy, hoặc có 1 đứa con ra học ở TP. Vũng Tàu hoặc thị xã Bà Rịa, chỉ là học cấp 3 chứ chưa nói CĐ-ĐH, là kiếm "đỏ con mắt" ở đảo.

Sau năm 2000, cũng nhờ con hàu, con cá, dân Long Sơn đổi đời đến chóng mặt, nhà nào cũng có con cái học hành đàng hoàng, xe máy 2-3 cái. "Chỉ với 1ha nuôi hàu, ngoài chi phí và sắm tiện nghi gia đình thoải mái, tôi còn cho 2 đứa con đi học ĐH, CĐ. Sắp tới còn đứa út, cũng sẽ thi ĐH nữa!" - ông Lực kể.

Con hàu cũng giúp bà Cái Thị Bé Năm (thôn 10), trở thành người nổi tiếng bởi có diện tích hàu lớn nhất nhì đảo, bởi mẹ goá nuôi 5 con học ĐH, bởi với vốn liếng mỗi năm đầu tư hàu cả tỉ đồng, gấp cả chục, thậm chí cả trăm lần người khác.

Nhưng thời "hoàng kim" đó đã vội tàn. Kể từ tháng 3.2008 đến nay, khi hàu con không thèm bám trụ, hàu lớn chết la liệt ở các đầm, bè nuôi lấy nước từ sông Rạng, sông Rạch Ván. Nói đâu xa, chỉ 3 ngày đầu tháng 9.2008 vừa qua, xã Long Sơn có tới gần 1.000 hộ dân nuôi hàu bị chết từ 60% diện tích trở lên.

Cũng tức là tài sản của hàng trăm triệu phú Long Sơn, cũng "tan" theo xác hàu. Bà Năm lại trở nên nổi tiếng nhất nhì xã đảo vì thiệt hại thê thảm nhất vùng khi từ tháng 3.2008 đến nay, hàu chết hơn 95% diện tích, mất trắng chỉ riêng tiền đầu tư đã hơn 1 tỉ đồng.

Bên đống xác hàu, bà nghèn nghẹn: "Hổm rày, tui bảo với mấy đứa con, với nước ô nhiễm thế này, kêu cứu không thấu rồi, chắc mẹ bán hết ao đầm, vét được tí nào gửi ngân hàng sống tuổi già. Còn mấy đứa, ăn học rồi, lên TP mà làm việc. Không sống nổi nghề hàu nữa đâu!".

Nhật ký "tan gia bại sản"...

Lật giở từng đống đơn kêu cứu, hồ sơ vụ ô nhiễm, Phó chủ tịch xã Long Sơn - ông Bùi Đức Bình - chua chát: "Đến nay, đã có hơn 460 lá đơn của các hộ dân nuôi chủ yếu nuôi hàu của xã đảo này kêu cứu tới chính quyền rồi!".

Long Sơn có khoảng 3.000ha mặt nước, với 14.000 dân, chủ yếu sống bằng nghề nuôi thuỷ hải sản, vậy nên, không chỉ dân nuôi hàu, những hộ nuôi hải sản khác cũng thê thiết không kém.

Anh Tôm chua chát giở từng đống xác hàu chết.

Ông Bình cho chúng tôi xem, báo cáo thiệt hại được ghi chép tỉ mỉ để gửi lên cấp trên. Báo cáo, như cuốn nhật ký từng ngày giờ tan gia bại sản của dân đảo: Ngày 5, 6, 7 tháng 9.2008, tại khu vực sông Rạch Ván, thôn 9, bè anh Phạm Văn Hiền thiệt hại hơn 30.000 con cá mú, cá bớp, cá chim; bè số 7 Đắc Ngư chết 5.000 con cá mú, cá chim; bè Sơn Thuỷ, bè Đại Việt, bè Dược Phong, bè... thiệt hại 5.000 con, 4.000 con, 3.000 con cá mú, cá bớp, cá chẽm, cá hồng.

Tại khu vực sông Rạng, thôn 2, bè anh Trần Khai Hoa thiệt hại 15.000 con cá; bè Nguyễn Thanh cá chết gần 3.000 con; bè Lý Biểu Thắng, bè Lý Biểu Hồi, cá chết... cá chết. Nỗi đau tan gia bại sản, đến mức giờ này, khi gặp chúng tôi, câu đầu tiên đi kèm với sự tức tưởi của nước mắt của người dân, là xin cơ quan ban ngành cứu giúp, làm sạch nước sông, ngân hàng dãn nợ, ngưng thu lãi và để dân cố gắng làm lại từ đầu.

Thủ phạm nhởn nhơ, dân "treo niêu" chờ cứu...

Bên cạnh báo cáo "nhật ký tan gia bại sản", UBND xã Long Sơn còn có báo cáo khác, cũng như cuốn nhật ký ghi từng ngày, giờ các đoàn kiểm tra của xã, TP. Vũng Tàu, rồi của Sở TNMT, NNPTNT xuống kiểm tra thiệt hại dân, kiểm tra nguồn gây ô nhiễm nước sông, lấy mẫu... "Nhật ký tìm thủ phạm" này, dừng lại ở kết quả cuối cùng của đoàn kiểm tra Sở NNPTNT.

Báo cáo kết quả kiểm tra số 72 ngày 12.9.2008 (kiểm tra các DN bị dân tố xả thải gây ô nhiễm) của đoàn kiểm tra Sở NNPTNT tỉnh BRVT thể hiện, trong có tới 18/25 Cty, DNTN chế biến thuỷ hải sản đóng trên địa bàn xã Tân Hải (huyện Tân Thành, giáp ranh xã Long Sơn), suốt thời gian qua đã thi nhau "đầu độc" nước sông, đẩy hàng nghìn nông dân xã đảo Long Sơn trở về thời nghèo khó trước đây.

Bức xúc, trong 18 "hảo hớn" hại dân trên, có tới 6 cơ sở dù có hệ thống xử lý nước thải, nhưng tới 4 cơ sở còn lại xây cho có, không sử dụng. 12 cơ sở thì hệ thống xử lý thải vẫn... đang chuẩn bị hoặc đang xây như DNTN Tuấn Khanh, Trọng Đức, Đông Hải, Phúc Lộc, Gia Hòa v.vv.. Phần lớn các cơ sở xả nước thải trực tiếp ra sông không qua xử lý, trong khi đó nước thải của các cơ sở này chứa hàm lượng hữu cơ rất cao.

"Nguyên nhân chính dẫn tới thiệt hại nuôi trồng thuỷ sản của ngư dân xã Long Sơn từ năm 2008 đến nay là do nguồn nước sông (chủ yếu sông Rạng và sông Rạch Ván) bị ô nhiễm từ việc xả thải trực tiếp ra sông không qua hệ thống xử lý của các Cty TNHH và DNTN chế biến thuỷ hải sản đóng trên địa bàn xã Tân Hải!". Trưởng đoàn kiểm tra - Nguyễn Tuấn Hồng - kết luận "như đinh đóng cột".

Rồi từ đó, đến nay ra sao? Dẫn chúng tôi đi khắp vùng nuôi, chỉ những đống lưới, đống cọc, fibrôximăng, lốp xe, anh Hồ Văn Tôm nghẹn lại, cho hay vì chưa thấy "thủ phạm" nào bị xử lý, nước thải vẫn cứ vô tư xả ra sông, nên người dân chưa dám thả xuống sông, bởi sợ thuỷ hải sản chết tiếp. Nói cách khác, hàng nghìn hộ dân xã đảo này đang "treo niêu" chờ "ánh sáng cuối đường hầm"!

Trong khi đó, Phó Chủ tịch xã Long Sơn - ông Bùi Đức Bình - thở hắt ra: "Chính quyền xã cũng đã gửi công văn đến UBND tỉnh để báo cáo và chờ hướng giải quyết từ tỉnh. Tuy nhiên đến nay, bà con vẫn chưa nhận được một hướng dẫn hay chỉ đạo nào. Chả thấy hộ dân nào được bồi thường!".

Thoáng thấy một vài ánh mắt khó chịu gần khu vực DN xả thải, anh Tôm vội vã kéo chúng tôi đi, vừa đi, vừa thảng thốt: "Tôi rất nhiều lần dẫn đoàn cán bộ tỉnh, Sở TNMT, báo chí đi tìm hiểu, bắt quả tang ai xả thải. Giờ không ai bị xử, tôi không dám đi một mình, không dám đi tối nữa, bởi sợ bị trả thù..!".