00:00 Số lượt truy cập: 3228008

Bà Rịa - Vũng Tàu: Đội 

Được đăng : 03/11/2016
Sự kiện Công ty TNHH Bảo vệ thực vật Sài Gòn thành lập đội "Bác sĩ cây trồng" thật sự là một tin vui với nhà nông. Đội "đặc nhiệm" này lần đầu tiên ra mắt tại Bà Rịa – Vũng Tàu với đầy đủ trang thiết bị và dụng cụ diệt trừ sâu rầy, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.



Đội bác sĩ cây trồng gồm 5 thành viên đã đến Bà Rịa – Vũng Tàu vào những ngày dịch rầy nâu đang hoành hành khắp các cánh đồng lúa. Đội đã nhanh chóng xuống đồng ruộng và xây dựng quy trình kỹ thuật giúp nông dân phòng trừ rầy nâu. Ông Dương Nghiêu, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Thời gian qua, dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đã gây thiệt hại cho nông dân hàng tỷ đồng. Hiện, trên diện tích lúa Đông- Xuân 2006 -2007 của tỉnh có hơn 700 ha bị nhiễm rầy nâu và 312 ha bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Ông Nghiêu nói, "việc thành lập đội bác sĩ cây trồng lưu động là một mô hình học tập theo các nước tiên tiến, rất có lợi cho bà con nông dân. Tôi hy vọng rằng, đội sẽ là cánh tay đắc lực giúp cơ quan chuyên môn kịp thời hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng".


Cây trồng cũng như vật nuôi, đều có giá trị mang lại nguồn thu nhập cho nông dân. Khi dịch bệnh xuất hiện thì mức độ lây lan đối với cây trồng cũng nhanh không kém vật nuôi và mức độ thiệt hại cũng khó lường nếu không kịp thời khống chế. Thực tế, thời gian qua, dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đã gây hại hàng ngàn ha lúa trên địa bàn tỉnh. Chi cục Thú y chỉ có thể hướng dẫn kỹ thuật, giới thiệu một số loại thuốc, còn việc pha chế, phun xịt thuốc nông dân tự làm. Ở lĩnh vực chăn nuôi, từ lâu đã hình thành một đội ngũ thú y chuyên nghiệp, hỗ trợ đắc lực cho nông dân. Chính vì chỗ người nông dân hầu như phải một mình "tác chiến", nên khi có dịch hại xảy ra trên cây trồng thì ít khi được khống chế kịp thời.


Theo thạc sĩ Ký Văn Ngọt, đội trưởng Đội bác sĩ cây trồng, hiện nay kiến thức sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh của nông dân còn hạn chế. Nhiều người do phun thuốc, bón phân tùy tiện, không theo nguyên tắc 4 đúng, nên gây lãng phí rất lớn. Việc thành lập "Đội bác sĩ cây trồng” là ý tưởng đã được Công ty Bảo vệ thực vật Sài Gòn ấp ủ từ lâu, song đến nay mới thực hiện được. Đa số các thành viên trong đội đều có chuyên môn giỏi, có khả năng phân tích nhanh và chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh. Đội còn được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị như: lưới bắt sâu, bình phun xịt, ống nghiệm, dụng cụ lấy mẫu, thiết bị phân tích, xét nghiệm.


Ông Lê Văn Huân, Cục Phó Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng: “mô hình hoạt động của àội bác sĩ này như một hình thức khuyến nông tự nguyện hỗ trợ nông dân. Hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng, tạo thêm lực lượng sát cánh cùng cơ quan bảo vệ thực vật địa phương ngăn chặn kịp thời dịch bệnh trên cây trồng, giảm thiệt hại cho nông dân".


Toàn bộ hoạt động hỗ trợ, tư vấn của đội bác sĩ cây trồng đối với nông dân được miễn phí hoàn toàn. Bởi vì, "mục tiêu của chúng tôi là giúp nông dân tìm ra nguyên nhân gây bệnh để phòng trừ dịch bệnh nhanh chóng"- ông Trương Huy Hoàng Tam Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Bảo vệ thực vật Sài Gòn nói. Tới đây, nếu mô hình thành công, Công ty TNHH Bảo vệ thực vật Sài Gòn sẽ thành lập thêm nhiều đội bác sĩ cây trồng để giúp nông dân giải quyết những vướng mắc trên đồng ruộng, kịp thời xử lý để giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh gây ra.