Bà Rịa Vũng Tàu: Khó khăn trong ngành chăn nuôi
Được đăng : 03/11/2016
Thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, trong khi giá các sản phẩm gia súc, gia cầm lên xuống thất thường đã gây nhiều khó khăn cho các trang trại chăn nuôi trong thời gian qua.
Nhìn đàn heo tới ngày xuất chuồng, chị Nguyễn Thị Liễu (xã Cù Bị, huyện Châu Đức) than: “Lứa heo trước, “lái” vào tận chuồng mua với giá 37.000 đồng/kg, thấy giá cao, có lãi nên sau khi xuất bán vợ chồng tôi đã mua 20 con heo giống về nuôi. Ai dè, giờ heo đã hạ xuống còn 32.000 đồng/kg, đã thế lại còn khó bán”. Chủ các trang trại chăn nuôi tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành cho biết, hiện giá heo hơi xuất chuồng chỉ còn 32.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với tháng trước. Theo tính toán của người chăn nuôi để có được 1 tạ heo hơi xuất chuồng, phải tiêu tốn 2,9 tạ cám các loại, với giá cám bình quân 8.500 đồng/kg, cộng với tiền heo giống, người chăn nuôi lỗ khoảng 200.000đồng/con, chưa kể khấu hao chuồng trại và những phí tổn khác. Nguyên nhân giá heo hơi giảm mạnh là do ảnh hưởng của dịch heo tai xanh tại các tỉnh phía Bắc, nên sức tiêu thụ thịt heo giảm mạnh, đồng thời các công ty sản xuất thực phẩm từ thịt heo cũng giảm lượng sản xuất nên nhiều hộ chăn nuôi, heo tới kỳ xuất chuồng nhưng không xuất bán được.
Các trang trại nuôi gà cũng “than ngắn thở dài” vì giá cả bấp bênh, đẩy người chăn nuôi luôn sống trong tình cảnh “nay lời, mai lỗ”. Bà Nguyễn Thị Chắt (xã Tam Phước, huyện Long Điền) cho biết: Cách đây 1 tháng giá gà công nghiệp là 30.000 đồng/kg, với giá này sau khi trừ chi phí người nuôi có lãi 5.000 đồng/kg. Thế nhưng nay chỉ còn 24.000-25.000 đồng/kg. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, thức ăn chăn nuôi đã 5 lần điều chỉnh tăng giá, tổng cộng tăng hơn 10%, giá cám hiện nay dao động từ 210.000 - 220.000 đồng/bao loại 25 kg. Vậy mà, mới đây nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi còn gửi thông báo đến các trang trại chăn nuôi cho biết, dự tính sẽ tiếp tục tăng giá cám với mức thêm 250 - 500 đồng/kg do nhà máy bị cúp điện, phải bù lỗ cho việc chạy máy phát điện. Gồng gánh thêm bao nhiêu khoản chi phí mà giá gà, giá trứng không tăng, cứ đà này người chăn nuôi dễ bị đổ nợ.
Ông Phạm Quốc Hùng, quản lý Trang trại chăn nuôi Công ty TNHH Phú An Sinh (ở xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành) cho biết, hơn 2 tháng nay, trước tình trạng cúp điện “ngày có, ngày không”, những ngày cúp điện công ty phải tốn thêm chi phí tiền dầu 2 triệu đồng/ngày khi chạy máy phát điện, bình quân mỗi tháng tốn thêm 60 triệu đồng, so với chi phí tiền điện tốn gấp 20 lần. Theo ông Hùng, thời tiết nắng nóng mà gà nuôi công nghiệp chịu nóng rất kém nên hệ thống làm mát, cung cấp nước uống tự động cho gà phải hoạt động 24/24 giờ. Ông Phạm Văn Đàn, xã Suối Rao, huyện Châu Đức cũng cho biết, với đàn gà khoảng 7.000 con, những ngày cúp điện phải tốn thêm 300.000 đồng tiền dầu để chạy máy phát điện. Biết là tốn kém, nhưng đành phải chịu, vì nếu các hệ thống làm mát ngưng chạy, đàn gà không quen chịu nóng sẽ phát sinh dịch bệnh. Lứa gà này, đành chấp nhận chịu lỗ vậy.
Không riêng gì các trang trại nuôi gà, các trang trại chăn nuôi heo cũng rơi vào tình trạng khốn đốn vì cúp điện. Theo tính toán của anh Nguyễn Mạnh Hân, thị trấn Đất Đỏ, với đàn heo hơn 100 con, hàng ngày anh phải dùng máy phát điện để tắm rửa cho đàn heo, chi phí cũng đội lên từ 3-4 triệu đồng/tháng. Những trang trại chăn nuôi với quy mô từ 3.000 con trở lên lại càng “xót” khi phải trả thêm hàng chục triệu đồng tiền dầu trong mỗi tháng, vì ngoài việc tắm rửa hàng ngày cho heo, do quy mô đàn quá lớn nên hầu hết các trang trại này đều sử dụng máng ăn tự động. Với giá heo bây giờ là 32.000 đồng/kg, cùng với chi phí do cúp điện, người chăn nuôi cầm chắc nguy cơ lỗ.
Toàn tỉnh hiện có 544 trang trại chăn nuôi, ước tính những ngày cúp điện các trang trại phải gồng gánh thêm hàng trăm triệu đồng tiền dầu để chạy máy phát điện. Trước những khó khăn chồng chất nói trên, các chủ trang trại chăn nuôi cho biết, để tránh lỗ nặng, sau khi đàn gia súc, gia cầm đã xuất bán, họ chỉ còn cách nuôi cầm chừng hoặc bỏ trống trang trại một thời gian chờ có điện mới tính tới việc chăn nuôi trở lại.