00:00 Số lượt truy cập: 3229527

Bà Rịa-Vũng Tàu: Nuôi cá lóc bông đem lại hiệu quả kinh tế cao 

Được đăng : 03/11/2016

Xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là một trong những vùng có tiềm năng và lợi thế phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt. Tuy nhiên, với các loại cá nuôi truyền thống trước đây đã không đem lại hiệu quả cao cho người nông dân. Chính vì vậy, chuyển đổi mô hình, đối tượng nuôi đang là một trong những giải pháp được nhiều nông dân trong vùng quan tâm thực hiện tại vùng đất này. Được Hội Nông dân xã Láng Dài giới thiệu, chúng tôi đến thăm trại nuôi cá lóc bông của anh Hoàng Thanh Lai ở tổ 34, khu vực Len, ấp Núi Nhọn-đây là mô hình nuôi mới nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế ban đầu khá cao cho gia đình anh Lai.


Ông Trần Văn Trừ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Láng Dài - huyện Đất Đỏ cho biết: “Mô hình nuôi cá lóc bông ban đầu đã đem lại hiệu quả khá cao cho gia đình anh Lai, đây là mô hình nuôi cá lóc bông đầu tiên tại địa phương, cho nên Hội Nông dân xã sẽ theo dõi tìm hiểu thêm để những người nông dân khác tiếp cận hình thức nuôi này. Bên cạnh đó, đây là chủ trương của địa phương sẽ quy hoạch vùng này thành vùng phát triển nuôi cá nước ngọt”.
Với hơn 15 năm kinh nghiệm nuôi các loại cá nước ngọt như: cá chép, cá trôi, cá rô phi đơn tính… nhưng dù đã nỗ lực đầu tư nhiều công sức và tiền của thì thời điểm nuôi thuận lợi nhất cũng chỉ đem lại cho anh Lai khoản lãi khoảng 100 triệu đồng/ năm. Với diện tích mặt nước 1,5ha của gia đình anh thì khoản lãi này không bằng tiền cho người khác thuê lại làm hàng năm. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Lai đã lặn lội cả tháng trời đi khắp các tỉnh Miền Tây như: Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp… để tìm hiểu về mô hình nuôi cá lóc bông, mô hình mà anh được nghe giới thiệu rất nhiều từ những người bạn của mình.
Cá lóc bông là loại cá có nguốn gốc từ Campuchia, có sức đề kháng rất cao, tỷ lệ sống từ lúc xuống giống cho đến khi thu hoạch đạt tới 95%. Da vảy của cá chống chịu tốt hơn so với các loại cá lóc thường. Chính những ưu điểm này, khiến cá lóc bông hiện đang là một trong những loại vật nuôi được nông dân các tỉnh miền Tây quan tâm đầu tư phát triển.
Sau khi tham quan và học hỏi một số mô hình hay, cuối năm 2008, anh Lai đã quyết định bắt tay vào việc nuôi thử nghiệm vụ đầu tiên. Tâm sự với chúng tôi anh Lai cho biết, có rất nhiều yếu tố đã tạo dựng niềm hy vọng cho anh khi quyết định đầu tư phát triển mô hình này. Trong đó, về điều kiện tự nhiên, nguồn nước, ao hồ và kể cả nguồn thức ăn là cá biển, tất cả đều là những ưu thế mà anh đã có sẵn trong tay.

Tuy nhiên, điều mà anh còn trăn trở là số vốn đầu tư ban đầu quá lớn so với thực lực của gia đình. Bởi theo tính toán, để có thể cải tạo được 1/3 diện tích ao nuôi hiện có anh phải tốn mất hàng tỷ đồng mà số tiền này thì lấy đâu ra ngay một lúc? Nhận thấy ý tưởng hay, cùng với điều kiện tự nhiên phù hợp, doanh nghiệp tư nhân Bằng Mỹ - một trong những doanh nghiệp chuyên chăn nuôi gia súc, gia cầm thuỷ hải sản ở xã Đá Bạc, huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã đồng ý đầu tư vốn để thực hiện phương án doanh nghiệp và nông dân cùng hợp tác phát triển.

Có vốn, cộng với kinh nghiệm và những kiến thức trau dồi được sau nhiều ngày lặn lội học hỏi ở miền Tây, vụ cá nuôi đầu tiên của anh Lai có khá nhiều thuận lợi. Đến nay, sau gần 7 tháng 2 ao cá lóc bông của anh đã cho sản lượng hơn 50 tấn cá thương phẩm. Bình quân mỗi con đạt khoảng 1,2 – 1,3 kg, cá biệt có con nặng gần 2kg. Với giá bán như hiện nay khoảng 30.000 đ/kg, trừ chi phí vụ này anh Lai đã thu về từ 400 – 500 triệu đồng tiền lãi.

Tâm sự với chúng tôi, anh Lai cho biết thêm, tuy mới nuôi thử nghiệm, nhưng kết quả cho thấy cá lóc bông rất phù hợp với vùng nuôi ở Láng Dài. Cá lớn đồng đều, tỷ lệ hao hụt không đáng kể.

Thành công bước đầu từ mô hình nuôi cá lóc bông của gia đình anh Lai sẽ mở ra triển vọng mới cho nhiều người nuôi cá nước ngọt ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Bởi, anh là người đi đầu trong nghề nuôi cá lóc bông thương phẩm nhưng đã minh chứng về sự nhạy bén, năng động của anh trong việc tìm tòi, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cho gia đình./.