Bắc Giang: Chuyển dịch cơ cấu cây trồng nâng cao hiệu quả sản xuất
Được đăng : 03/11/2016
Kết quả thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá trong những năm gần đây đã làm cho cơ cấu cây trồng của tỉnh Bắc Giang có sự chuyển biến tích cực, góp phần vào sự tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp luôn đạt mức cao, bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2001-2005 đạt trên 5%.
Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Bắc Giang tập trung vào việc chuyển dịch cơ cấu loại cây trồng, cơ cấu thời vụ, cơ cấu giống cây nhằm đạt giá trị và hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục mở rộng thêm diện tích cây trồng hằng năm thì diện tích các loại cây trồng đã chuyển dịch theo hướng giảm dần diện tích trồng cây lương thực và tăng dần diện tích cây thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày, rau màu và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn. Tính chung trong 5 năm gần đây, diện tích cây lương thực của tỉnh đã giảm gần 3.500 ha trong khi đó diện tích các nhóm cây còn lại tăng trên 6.400 ha; trong đó nổi bật là cây thực phẩm tăng hơn 4.000 ha và duy trì khá ổn định ở mức khoảng 21.000 ha/năm với các loại rau truyền thống như su hào, bắp cải, dưa chuột, hành tỏi, đậu leo, bí xanh, cà chua. Cơ cấu thời vụ cũng chuyển dịch mạnh mẽ, trong đó diện tích lúa trà xuân muộn của tỉnh hiện đã tăng lên chiếm gần 2/3 diện tích, thậm chí trên 70% diện tích cấy lúa vụ này như tại các huyện Việt Yên, Hiệp Hoà, Lạng Giang; trà lúa mùa sớm vẫn ổn định ở mức từ 55 đến 57% cơ cấu vụ mùa để tạo điều kiện thâm canh tăng vụ, nhất là sản xuất vụ đông. Ở Bắc Giang đã hình thành vùng sản xuất lạc thu đông và lạc vụ đông phục vụ cho nhu cầu về giống lạc xuân của tỉnh và một số tỉnh lân cận. Một số giống cây chủ lực đã được các địa phương tập trung đưa vào sản xuất để tăng năng suất và đến nay, giống lúa mới chiếm tới 75% diện tích lúa, giống ngô lai mới và ngô chất lượng cao chiếm 95% diện tích ngô của tỉnh. Các giống cây công nghiệp ngắn ngày như lạc MD7, L14, đậu tương DT99... đang là bộ giống chủ lực của tỉnh, chiếm phần lớn diện tích gieo trồng. Cơ cấu các giống cây ăn quả cũng chuyển dịch theo hướng tăng diện tích các loại cho giá trị kinh tế cao như vải thiều sớm, vải thiều muộn, giảm diện tích vải chính vụ; nhãn, xoài, na dai, hồng, dứa... Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng gắn với việc thâm canh tăng vụ, xây dựng những cánh đồng cho thu nhập cao để nâng cao giá trị thu nhập và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác của tỉnh năm 2005 đạt 26 triệu đồng và năm nay phấn đấu đạt 28 triệu đồng. Toàn tỉnh đã có trên 5.000 ha đất canh tác cho giá trị thu nhập mỗi năm đạt và vượt 50 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Bắc Giang vẫn còn chậm, chưa thực sự phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhất là sự chuyển dịch giữa các nhóm cây trồng như chủ trương chuyển mạnh sang trồng cây công nghiệp ngắn ngày và cây thực phẩm cho giá trị kinh tế cao. Sản xuất rau chế biến là hướng sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế khá nhưng hiện nay diện tích trồng rau của tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ mà chưa tập trung thành vùng lớn, trình độ thâm canh không đồng đều, chi phí còn lớn nên chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hoá. Việc liên kết "4 nhà" chưa chặt chẽ và còn xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng hay tranh chấp nông phẩm. Phần lớn các địa phương trong tỉnh chưa có chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chất lượng nông phẩm hàng hoá của tỉnh còn thấp và chủ yếu là bán thô, hầu hết lại chưa có thương hiệu hàng hoá nên giá trị chưa cao, nhất là hàng nông sản xuất khẩu.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do đại bộ phận nông dân trong tỉnh mới làm quen với sản xuất hàng hoá nên chưa thích ứng và đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường. Việc định hướng chỉ đạo sản xuất trong giai đoạn trung gian hiện nay như trồng cây gì cho có hiệu quả kinh tế cũng đang gặp khó khăn, cần phải có thời gian làm điểm rút kinh nghiệm. Vai trò làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp của nhà nước ở địa phương còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng cho sản xuất hàng hoá chưa đảm bảo, nhất là hệ thống giao thông nội đồng, hệ thống kênh mương, thuỷ lợi, các chợ đầu mối tiêu thụ nông phẩm...cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung của tỉnh.
Để nâng cao hiệu quả cây trồng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang đang tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích trồng lúa xuống mức ổn định khoảng 105.000 ha; phát triển cây lạc vụ xuân và vụ thu đông; mở rộng diện tích trồng rau màu thực phẩm, vùng rau an toàn và rau phục vụ chế biến. Đồng thời tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa nhanh vào gieo trồng các giống cây mới có năng suất và chất lượng cao kết hợp với việc bố trí mùa vụ thích hợp để tăng hệ số sử dụng đất cũng như giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, các địa phương tiếp tục kiểm tra, xác định rõ từng vùng, diện tích, lộ trình chuyển đổi và nghiên cứu chỉ rõ đối tượng cây trồng có thế mạnh để thay thế; vận động nông dân dồn đổi ruộng cho nhau tạo thành vùng liền khu, liền khoảnh để thuận lợi cho sản xuất hàng hoá; quy hoạch mới các vùng trồng rau chế biến xuất khẩu, ổn định và mở rộng vùng rau phục vụ tiêu dùng và rau chế biến nội địa. Cùng với việc xây dựng các mô hình trình diễn các giống cây trồng mới giúp nông dân, các huyện, thành phố lựa chọn bộ giống cây trồng và những công thức luân canh cho giá trị kinh tế cao phù hợp với địa phương. Riêng đối với cây ăn quả thì tập trung thâm canh nâng cao chất lượng quả và bố trí lại cơ cấu giống để rải vụ thu hoạch bằng phương pháp ghép cải tạo.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2010 sẽ chuyển thêm 1.200 ha đất 1 vụ vàn cao thường khô hạn sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn như cỏ phục vụ chăn nuôi, cây công nghiệp ngắn ngày, nấm...; chuyển 1.000 ha ruộng trũng sang nuôi cá hoặc cấy 1 vụ lúa và nuôi 1 vụ cá; đưa diện tích lạc lên 11.500 ha, trong đó vùng trọng điểm có 8.900 ha. Tỉnh cũng mở rộng diện tích trồng cây thực phẩm lên 25.500 ha; trong đó có 1.450 ha vùng rau chế biến, 900 ha vùng rau an toàn, 6.000 ha khoai tây./.