00:00 Số lượt truy cập: 2676284

Bắc Giang: Chuyên nghiệp hoá sản xuất giống thuỷ sản 

Được đăng : 03/11/2016

Giống được coi là tiền đề để nâng cao năng suất, chất lượng thuỷ sản. Xác định được vai trò và tầm quan trọng đó, thời gian qua, Chi cục Thuỷ sản Bắc Giang đã tăng cường công tác quản lý, cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng cho các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản, từng bước chuyên nghiệp hoá sản xuất thuỷ sản từ khâu giống.

 

 

 


Những năm gần đây, thuỷ sản đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bắc Giang. Hằng năm, diện tích, năng suất và sản lượng thuỷ sản tăng dần. Đáp ứng yêu cầu đó, nhiều cơ sở ương, nuôi giống thuỷ sản hình thành và phát triển mạnh. Tuy nhiên, việc sản xuất diễn ra tự do không có sự quản lý, kiểm tra của các cơ quan chuyên môn dẫn tới tình trạng nhiều lô cá giống không bảo đảm chất lượng vẫn lưu hành. Hậu quả người nuôi thuỷ sản hứng chịu. Để từng bước khắc phục tình trạng trên, đưa hoạt động sản xuất giống thuỷ sản vào nền nếp, từ đầu năm 2006, Chi cục Thuỷ sản đã kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản bảo đảm các điều kiện theo quy định của Luật Thuỷ sản và tiêu chuẩn ngành.

Ngoài các tiêu chí về quy mô diện tích ao nuôi, bể nuôi, phương tiện cho cá sinh sản thì chất lượng đàn cá bố, mẹ được đặt lên hàng đầu. Nhiều đàn cá bố, mẹ do cơ sở sản xuất giống mua về nuôi không rõ hồ sơ gốc, có biểu hiện mắc bệnh hay chưa đủ tuổi sinh sản và trọng lượng đều bị loại thải hoặc tiếp tục nuôi hậu bị. Qua kiểm tra ở Trung tâm Giống thuỷ sản cấp 1 và 12 cơ sở tư nhân, Chi cục Thuỷ sản đã loại thải khoảng 6 tấn cá bố, mẹ không bảo đảm chất lượng và cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất giống. Ngoài ra các cơ sở còn được hướng dẫn trao đổi đàn cá bố, mẹ, tạo điều kiện lai xa, tránh cận huyết nhằm nâng cao chất lượng đàn cá giống. Trung tâm Giống thuỷ sản có nhiệm vụ sản xuất cá bố, mẹ; nuôi cá hậu bị và ương cá bột, cá giống cung cấp cho các điểm sản xuất trong tỉnh. Trung tâm thường xuyên có khoảng 10 tấn cá bố, mẹ gồm các chủng loại đang được thị trường ưa chuộng như chép lai 3 máu, chim trắng, rô phi đơn tính, trôi… Qua kiểm tra cho thấy tất cả cá bố, mẹ đều có nguồn gốc rõ ràng từ các trung tâm nghiên cứu giống thuỷ sản quốc gia, bảo đảm về độ tuổi sinh sản, không mắc bệnh và được nuôi trong điều kiện nguồn nước, kích thước ao nuôi, bể sinh sản bảo đảm. Được cấp giấy chứng nhận giống thuỷ sản bảo đảm chất lượng, đơn vị tăng cường các biện pháp kỹ thuật, thực hiện nghiêm quy trình sản xuất giống, định kỳ loại thải những con cá bố, mẹ hết thời hạn khai thác đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Hiện nay đơn vị có đủ năng lực để sản xuất 250-300 triệu con cá bột và 100-120 cá giống/năm. Nhờ có đàn cá giống luôn bảo đảm chất lượng nên ngoài việc nhận nhiều hợp đồng tiêu thụ cá giống trong và ngoài tỉnh, Trung tâm còn thực hiện chương trình trợ cước, trợ giá giống cho các xã miền núi, đặc biệt khó khăn của tỉnh. Ông Thân Vân Thuỷ, Giám đốc Trung tâm khẳng định việc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận chất lượng giống thuỷ sản là yêu cầu bắt buộc giúp đơn vị không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn trong mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Còn đối với cơ sở sản xuất giống cá tư nhân của ông Hoàng Lan Hải, thôn Hoành Sơn, xã Phi Mô (Lạng Giang) có đầy đủ ao nuôi, bể nuôi với quy mô khoảng 1 tấn cá bố, mẹ có nguồn gốc nhập từ Viện nghiên cứu Thuỷ sản 1 (Bắc Ninh). Để đáp ứng yêu cầu chất lượng con giống, mỗi năm cơ sở loại thải khoảng 20% tổng đàn đồng thời bổ sung, trao đổi đàn cho các cơ sở khác tránh tình trạng lai cận huyết, tận dụng ưu thế lai. Ông Hải cho rằng, cá bố, mẹ có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng thì con giống sinh ra chất lượng tốt, việc ương, nuôi cá giống cũng dễ dàng hơn. Việc cấp giấy chứng nhận chất lượng giống thuỷ sản cho các cơ sở sản xuất góp phần hạn chế nguồn giống trôi nổi không rõ nguồn gốc trên thị trường giúp các cơ sở làm ăn chân chính thuận tiện kinh doanh và người nuôi trồng thuỷ sản dễ dàng tiếp cận nguồn giống chất lượng cao, nâng cao hiệu quả kinh tế.

 

Theo đánh giá của Chi cục Thuỷ sản tỉnh, mỗi năm các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản trên địa bàn cung cấp cho thị trường 1,5-1,7 tỷ con cá bột, 300-350 triệu cá giống. Sản lượng trên không những đáp ứng đủ nhu cầu nuôi thuỷ sản trong tỉnh mà còn xuất sang các tỉnh lân cận như Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hưng Yên. Sau một năm thực hiện đăng ký và cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản, tình trạng buông lỏng khâu quản lý chất lượng giống thuỷ sản từng bước được khắc phục, 70-80% lượng cá giống tiêu thụ trên thị trường chất lượng tốt, có nguồn gốc rõ ràng. Trong chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hoá đến năm 2010 của tỉnh, sản xuất thuỷ sản tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Lộ trình chuyên nghiệp hoá khâu sản xuất giống thuỷ sản thời gian qua góp phần nâng cao hiệu quả nghề nuôi trồng thuỷ sản, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đề ra.