00:00 Số lượt truy cập: 3233861

Bắc Giang: Kết quả bước đầu chăn nuôi động vật hoang dã 

Được đăng : 03/11/2016
Đời sống kinh tế ngày càng cao, áp lực công việc ngày càng lớn nên nhu cầu của con người về các món ẩm thực đặc sản, thuốc chữa bệnh, thuốc bồi bổ sức khỏe có nguồn gốc từ các loài cây, con nhất là các loài động vật sống ngoài thiên nhiên, hoang dã cũng ngày một tăng.

Từ đó dẫn đến sự săn bắt, khai thác bừa bãi, buôn bán trái phép các loại động, thực vật ngày một gia tăng do lợi nhuận cao, đã làm cho không ít loại động vật, thực vật hoang dã sinh sống ngoài thiên nhiên bị cạn kiệt, nhiều loài đã, đang có nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều vùng núi ở nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng đã vắng bóng các loài thú như hổ, báo, gấu, khỉ, gà lôi… Do vậy, Chính phủ đã ban hành các Nghị định: số 32/NĐ/CP ngày 30-3-2006 quy định về quản lý, danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; NĐ số 82/NĐ-CP ngày 10-8-2006 trong đó quy định việc thuần dưỡng, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm…

Thực hiện các Nghị định của Chính phủ, sự chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang và các văn bản hướng dẫn thi hành của ngành kiểm lâm, đến nay tỉnh ta đã có 279 trang trại, hộ gia đình được cấp đăng ký gây nuôi động vật hoang dã (riêng năm 2009 đã cấp 96 giấy chứng nhận đăng ký gây nuôi động vật hoang dã) với hàng chục ngàn cá thể được đăng ký như gấu 24 cá thể, nhím 958 cá thể, cá sấu 367 cá thể, hươu sao 199 cá thể, lợn rừng 100 cá thể, ba ba 17.670 cá thể và rắn gần 6.000 cá thể… Việc gây nuôi, thuần dưỡng động vật hoang dã ở tỉnh ta thời gian qua chủ yếu do các chủ trang trại, hộ gia đình tự đi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ bạn bè, học theo sách hướng dẫn kỹ thuật… Trên cơ sở có sự động viên khích lệ, hướng dẫn về luật lệ của lực lượng kiểm lâm nên các chủ trang trại, hộ gia đình đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư xây dựng ao, chuồng, mua con giống để thuần dưỡng, chăn nuôi. Ví như nuôi cá sấu phát triển ở Hiệp Hòa, Yên Dũng; nuôi nhím phát triển ở Lạng Giang, thành phố Bắc Giang, Việt Yên, Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam; nuôi tắc kè - rắn phát triển ở Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế… Tuy còn gặp rất nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật thuần dưỡng và chăn nuôi, đáng chú ý là con giống mua về chất lượng chưa cao, có loài hiện khó tìm nơi tiêu thụ nhưng hầu hết các chủ trang trại, hộ gia đình tham gia thuần dưỡng, nuôi động vật hoang dã, đã có thu nhập khá cao. Đơn cử như gia đình ông Tiến ở Tân Hiệp (Yên Thế) nuôi 50 con nhím, bà Thu ở Quý Sơn (Lục Ngạn), ông Hưng ở Hương Lạc (Lạng Giang), ông Chiến ở TP Bắc Giang mỗi hộ nuôi 30 con, ông Hiên ở Đông Phú (Lục Nam), ông Kịch ở Vân Trung (Việt Yên) nuôi 16 con, ông Hiệu ở Dĩnh Kế (thành phố Bắc Giang), ông Ba, ông Hùng ở Lạng Giang nuôi 20 con nhím bán giống… đều đã có thu nhập cao từ hàng chục đến trăm triệu đồng mỗi năm…

Trước xu thế phát triển của phong trào gây nuôi, thuần dưỡng, sinh sản, chăn nuôi thương phẩm các loài động vật hoang dã, Hội Gây nuôi, thuần dưỡng, phát triển động vật hoang dã tỉnh Bắc Giang đã được thành lập, hiện có gần 80 hội viên tham gia. Theo ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch Hội (nhiệm kỳ 2009 - 2014): "Tổ chức Hội ra đời sẽ là trung tâm liên kết, quy tụ các chủ trang trại, hộ gia đình để trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, giúp đỡ nhau nhằm phát triển gây nuôi sinh sản, nuôi kinh doanh các loài động vật hoang dã trong khuôn khổ pháp luật quy định. Qua đó phát triển gây nuôi, thuần dưỡng đưa chăn nuôi động vật hoang dã thành một nghề chăn nuôi phát triển ổn định, đạt lợi ích kinh tế cao, góp phần thực hiện mục tiêu: Bảo tồn phát triển được các loài động vật hoang dã, quý hiếm ở ngay môi trường trang trại, hộ gia đình đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng…".