00:00 Số lượt truy cập: 2690192

Bắc Giang: Lạng Giang phát triển nghề chế biến lâm sản 

Được đăng : 03/11/2016

Lạng Giang là huyện miền núi thấp có hơn 4.500 ha đồi rừng trong đó có cả rừng đặc dụng và phòng hộ đầu nguồn. Hầu hết diện tích đồi rừng của huyện đã được phủ xanh bằng cây ăn quả, cây lấy gỗ như: bạch đàn, keo lai và một số cây bản địa khác.

 


Với lợi thế tiếp giáp với Lạng Sơn và các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động - nơi có nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, giao thông thuận tiện, là điều kiện để nghề mộc phát triển, giải quyết việc làm cho người lao động theo hướng "Ly nông, bất ly hương".

Cách đây 20 năm, anh Vũ Đức Thịnh ở thị trấn Vôi mở một xưởng mộc nhỏ tại gia đình. Do làm cẩn thận nên đồ mộc của cơ sở tương đối chắc chắn, giá cả phù hợp với thu nhập của nhân dân, nên hàng bán rất chạy. Vài năm sau, anh mở rộng quy mô sản xuất, chủ động thu mua nhiều gỗ nguyên liệu để chế biến. Một phần đóng đồ tại xưởng, một phần sản xuất đồ mộc cho các công trình xây dựng trong và ngoài huyện. Năm 2002, anh Thịnh đã mạnh dạn nhận 0,8 ha ở cụm công nghiệp Vôi và đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, bổ sung vốn cho cơ sở sản xuất mới. Ngoài sản phẩm mộc dân dụng, chuyên dụng, anh còn lắp đặt dây chuyền sản xuất gỗ ván ép công suất hơn 100.000 m2/năm từ keo, bạch đàn thu mua trên địa bàn. Xưởng mộc mang tên Vũ Thịnh của anh đã trở thành cơ sở chế biến lâm sản lớn nhất huyện hiện nay giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động.

Cách đây 15 năm, một số hộ thôn Trại Trước (xã Dĩnh Trì) cũng đã mạnh dạn mở xưởng mộc dân dụng. Đến nay, thôn có 67/86 hộ làm nghề mộc, thu hút 80% lao động trong thôn và giải quyết việc làm cho hàng trăm người ở các xã lân cận. Các sản phẩm như: giường, tủ, con tiện cầu thang, cánh cửa… có mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, được thị trường ưa chuộng. Do có việc làm ổn định tại chỗ, thu nhập đều đặn của lao động   từ 700.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/người/tháng. Nhờ làm mộc, thôn Trại Trước chỉ còn 1 hộ nghèo và trở thành một làng nghề, trong tương lai có thể hình thành một liên hợp chế biến lâm sản quy mô lớn của huyện. Từ khai thác các lợi thế sẵn có, ngành chế biến lâm sản của Lạng Giang phát triển cả về số lượng, quy mô và đóng góp giá trị kinh tế ngày càng lớn, giải quyết nhiều công ăn việc làm có thu nhập khá cho nhiều   lao động.

Đến nay, Lạng Giang có 326 hộ sản xuất, chế biến lâm sản, giải quyết việc làm cho 981 lao động có việc làm và thu nhập ổn định với doanh thu đạt 15,5 tỷ đồng mỗi năm. Bước đầu hình thành một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Hưng Đức (Tân Dĩnh) chuyên chế biến gỗ và nông sản hàng hoá, vận tải. Công ty TNHH Đức Phụng (Tân Thịnh) chế biến gỗ, trồng rừng và vận tải. Bên cạnh đó cũng hình thành một số xưởng sản xuất lớn như: xưởng mộc Vũ Thịnh (TT Vôi), xưởng mộc Anh Đào (Đào Mỹ), giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Ngoài ra các cơ sở mộc dân dụng quy mô gia đình ở khắp các xã, thị trấn trong huyện nhưng tập trung chủ yếu ở những nơi thuận tiện về nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất như: Nghĩa Hưng: 15, Quang Thịnh: 19, Hương Lạc: 16, Yên Mỹ: 22, Mỹ Thái: 35, Xương Lâm: 11, Xuân Hương: 19, Đại Lâm: 13, Dĩnh Trì: 67 hộ. Sản phẩm sản xuất ra không còn bó hẹp ở thị trường trong huyện, tỉnh mà đã toả đi muôn nơi, đem lại công ăn việc làm cho nhiều người và cũng là cách làm giàu của không ít hộ, mở hướng mới cho đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ của huyện ra thị trường nước ngoài.