00:00 Số lượt truy cập: 3228199

Bắc Giang: Nâng cao hiệu quả kinh tế trang trại 

Được đăng : 03/11/2016
Phát triển kinh tế trang trại được tỉnh Bắc Giang xác định là một giải pháp quan trọng để khai thác có hiệu quả ưu thế kinh tế mũi nhọn của từng vùng, từng khu vực, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình phát triển nông nghiệp hàng hoá của địa phương.




Những năm gần đây, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để tạo điều kiện phát triển kinh tế trang trại như xây dựng dự án phát triển cây ăn quả của tỉnh đến năm 2010; lập trạm giống cây ăn quả để nghiên cứu, tuyển chọn và nhân giống cây ăn quả cung cấp cho nông dân; chuyển dịch diện tích cấy lúa 1 vụ không ăn chắc sang trồng cây khác hoặc nuôi con có hiệu quả kinh tế cao hơn; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công đến cơ sở; mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và nâng cao kiến thức quản lý, bảo quản, chế biến cho các chủ trang trại. Nhiều chương trình, dự án, chính sách khuyến khích, hỗ trợ được thực hiện đã góp phần thúc đẩy kinh tế trang trại như áp dụng cơ khí vào việc sấy và chế biến vải thiều; đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản theo hướng thâm canh, chương trình sind hoá đàn bò, hỗ trợ giá giống thuỷ sản, hỗ trợ sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu...Tỉnh còn hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn và giao thông nội đồng, thuỷ lợi giúp cho kinh tế trang trại có điều kiện phát triển. Do đó, kinh tế trang trại ở Bắc Giang đã có chuyển biến tích cực: năm 2002, toàn tỉnh có 386 trang trại, năm 2004 có 1140 trang trại và hiện có 1363 trang trại. Các địa phương hiện có nhiều trang trại là huyện Lục Ngạn có 584 trang trại, huyện Lục Nam 235 trang trại, huyện Yên Thế 137 trang trại, huyện Yên Dũng 128 trang trại, huyện Lạng Giang 118 trang trại, huyện Hiệp Hoà 87 trang trại, huyện Sơn Động 73 trang trại...Hiện nay, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận cho 918 trang trại.


Trang trại ở Bắc Giang chủ yếu là trồng cây ăn quả và tổng hợp. Thực tế cho thấy chủ các trang trại đã quan tâm đầu tư thâm canh, tính toán hiệu quả đầu tư hơn để phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hoá. Người quản lý trang trại thường là có điều kiện về đất đai, vốn, kinh nghiệm sản xuất, có khả năng quản lý, có tư duy phát triển kinh tế và thu hút được nhiều lao động (thường là lao động dư thừa) tại địa phương vào làm việc tại trang trại từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến và tiêu thụ nông phẩm. Theo đánh giá chung thì trang trại tổng hợp là loại hình trang trại có hiệu quả kinh tế cao và ổn định nhất hiện nay ở Bắc Giang vì các hoạt động trong trang trại có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để đem lại hiệu quả kinh tế chung cho cả trang trại. Đối với trang trại trồng cây ăn quả nếu thực sự quan tâm đầu tư liên tục, có hướng lâu dài thì vẫn cho hiệu quả kinh tế khá. Trang trại độc canh thì dù là chăn nuôi hay trồng trọt đều có tính rủi ro cao. Kinh tế trang trại ở Bắc Giang hiện đang gặp không ít khó khăn như ảnh hưởng của dịch bệnh đối với các trang trại chăn nuôi gia súc và gia cầm, thị trường tiêu thụ đối với cây ăn quả. Nhiều trang trại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khó vay vốn ngân hàng trong khi kinh tế trang trại rất cần nguồn vốn đầu tư lớn. Do còn thiếu quy hoạch, các chủ trang trại còn tự phát điều tiết sản xuất nên nhiều trang trại hiệu quả kinh tế thấp, không ổn định, mức độ rủi ro cao, nhất là nhiều trang trại trồng vải thiều gần đây do giá vải không ổn định, không được quan tâm đầu tư đúng mức nên hiệu quả càng thấp. Việc liên kết " 4 nhà" kết quả còn rất hạn chế và thực tế thường mới chỉ có liên kết giữa nhà nước (tạo điều kiện về đất đai, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật) với nhà nông và khó khăn lớn của kinh tế trang trại hiện nay ở địa phương là việc chế biến, tiêu thụ nông phẩm vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ của nhà nước trong thực tế chưa có điều kiện thực hiện như việc vay vốn ngân hàng chỉ thực hiện được đối với những trang trại đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, những trang trại còn lại phải dùng tài sản khác để thế chấp vay vốn ngân hàng hoặc nếu không thì không vay được nên khó có điều kiện nâng cao hiệu quả, mở rộng sản xuất.


Ông Nguyễn Văn Thành, Chi cục phó Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết: để tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang đang chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế trang trại; xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại chưa được cấp; đa dạng hoá các loại hình trang trại, nhất là phát triển mạnh loại hình trang trại tổng hợp để tránh rủi ro và đem lại hiệu quả kinh tế cao; thực hiện liên kết" 4 nhà", trong đó làm sao để việc tiêu thụ nông phẩm ổn định theo hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp với chủ trang trại, sản xuất theo nhu cầu thị trường. Vấn đề quan trọng trước mắt ở địa phương là thực hiện được sự liên kết giữa doanh nghiệp với nhà nông và có nhà nước giữ vai trò trọng tài từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông phẩm và mở rộng mô hình doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nông dân để cả 2 bên đều chủ động trong cả quá trình sản xuất-kinh doanh, quản lý được chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp và người nông dân cũng chủ động được quá trình sản xuất từ khi trồng cây, nuôi con đến chế biến, tiêu thụ nông phẩm một cách ổn định, có hiệu quả về lâu dài.