00:00 Số lượt truy cập: 2638529

Bắc Kạn: Quang Thuận mất mùa quýt do thiên tai và sâu bệnh 

Được đăng : 03/11/2016

Năm nay, ước tính sản lượng quýt sẽ giảm 1 nửa so với mọi năm, nguyên nhân chính là do tháng tư, quýt đang trong thời kỳ ra hoa, đậu quả thì bị mưa đá khiến cho hoa và quả nhỏ rụng nhiều.


Được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho vùng đất Quang Thuận (Bạch Thông) trồng được loại cây đặc sản đó là quýt. Cây quýt rất thích hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây như khí hậu, chất đất…nên quả quýt có mẫu mã đẹp, quả to, tròn, mọng nước, có vị thơm ngon đặc trưng riêng của quýt Quang Thuận mà không ở địa phương nào có được. Quýt Quang Thuận là một trong những loại sản phẩm đặc sản của tỉnh ta có uy tín trên thị trường và được thị truờng chấp nhận tin dùng. Không chỉ ở tỉnh Bắc Kạn mà quýt Quang Thuận đã có mặt và chiếm lĩnh được những thị thị trường lớn ở phía Bắc như Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Nội, Quảng Ninh…Như vậy thương hiệu quýt Quang Thuận đã được khẳng định.

Những năm trước đây, bình quân mỗi năm Quang Thuận xuất ra thị trường trên 400 tấn quýt, số lượng như vậy vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng, còn năm nay sản lượng quýt xuất ra thị trường sẽ giảm rất nhiều so với mọi năm, bởi năm nay Quang Thuận mất mùa quýt do thiên tai và sâu bệnh phá hoại. Hiện tại, Quang Thuận có gần 180 ha quýt, trong đó có 130 ha đã cho sản phẩm, số còn lại là quýt mới trồng đang trong thời kỳ sinh trưởng. Trong số quýt mới trồng thì có 21 ha quýt trồng theo Dự án Quýt sạch, hơn 10ha là do nhân dân tự ươm, chiết cành để trồng. Nạn sâu bệnh phá hoại quýt khiến cho mỗi năm Quang Thuận mất khoảng 2-3 ha, mà nhóm sâu bệnh thường là sâu đục thân, đục cành, nấm trắng, vàng lá, nhện đỏ, bọ xít…

Mặc dù mất 2-3 ha nhưng hằng năm sản lượng quýt giảm không đáng kể. Năm nay, ước tính sản lượng quýt sẽ giảm 1 nửa so với mọi năm, nguyên nhân chính là do trong tháng tư, quýt đang trong thời kỳ ra hoa, đậu quả thì bị mưa đá khiến cho hoa và quả nhỏ rụng nhiều. Thiệt hại nặng nhất là ở hai thôn Nà Đinh và Nà Chạp, riêng 2 thôn này đã mất khoảng 70ha.

Từ xưa, quýt được coi là loại cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế ở Quang Thuận, đã có rất nhiều gia đình giàu lên từ cây quýt. Nhưng năm nay nhiều gia đình rất lo lắng vì một vụ quýt thất thu. Đồng chí Lưu Đình Thăng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hằng năm được mùa quýt bà con nông dân rất phấn khởi, có những gia đình thu nhập được 60-70 triệu đồng từ quýt, riêng gia đình ông năm trước cũng thu được gần 60 triệu đồng từ quýt, vì vậy bà con rất yên tâm về kinh tế. Còn năm nay quýt mất mùa làm cho bà con lo lắng vì có nhiều gia đình kinh tế chủ yếu dựa vào cây quýt, ngoài cây quýt ra họ không biết trông chờ vào đâu.

Quýt ở giai đoạn đậu quả thì gặp thiên tai, đến khi quýt trong giai đoạn dưỡng quả thì bị sâu, bệnh phá hoại. Để chống lại sâu bệnh bà con vẫn chỉ sử dụng những phương pháp cũ như; đối với sâu đục thân, đục cành bà con bơm trực tiếp thuốc trừ sâu vào những vị trí có sâu, với bọ xít, nhện đỏ bà con sử dụng loại thuốc Supetốc để phun…Nhưng xem ra những phương pháp này hiệu quả vẫn chưa cao do mất thời gian và sâu bệnh có hiện tượng nhờn thuốc.

Để có những vụ mùa bội thu, người trồng quýt Quang Thuận rất cần các ngành chức năng nghiên cứu tìm ra những biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hữu hiệu rồi phổ biến cho nông dân áp dụng vào sản xuất. Tạo ra những vùng quýt sạch nhiều hơn nữa để quýt Quang Thuận thực sự đứng vững trên thị trường, cần có những chính sách hỗ trợ hợp lý cho bà con, xây dựng chợ đầu mối giúp cho bà con mang sản phẩm của mình đi bán không bị tư thương ở các tỉnh khác đến ép giá. Đặc biệt, cần có những phương tiện dự báo, cảnh báo sớm về thiên tai để bà con chủ động có những phương án đối phó nhằm giảm tối đa những thiệt hại do thiên tai…
Quýt Quang Thuận lại sắp bước vào mùa thu hoạch, mặc dù thiên tai, sâu, bệnh phá hoại, nhưng chất lượng quýt không giảm và hy vọng luôn là loại cây chủ lực trong việc phát triển kinh tế ở địa phương.