00:00 Số lượt truy cập: 3229652

Bạc Liêu: Chưa tiếp cận được nguồn vốn: giảm nuôi - thiếu tôm nguyên liệu 

Được đăng : 03/11/2016

Trong thời gian tới, nếu không được hỗ trợ vay vốn kịp thời, sẽ có doanh nghiệp tuyên bố phá sản vì không còn vốn để tái đầu tư cho sản xuất, nhất là các công ty chế biến thủy sản xuất khẩu.


Ở một số công ty chế biến thủy sản xuất khẩu hiện nay chỉ sản xuất cầm chừng và lương trả cho công nhân không quá 300.000 đồng/tháng (mức lương này chỉ đủ trả tiền nhà trọ). Trong khi đó, theo quy định của Chính phủ, người lao động hoạt động trong lĩnh vực này mức lương phải trên 900.000 đồng/tháng. Thu nhập thấp kém và bấp bênh đã làm cho hàng trăm công nhân gắn bó với nghề rơi vào cảnh lao đao, khổ sở. Sơ kết quý 1/2009 về tình hình xuất khẩu cho thấy, xuất khẩu thủy sản giảm 23% so với cùng kỳ. Đây thật sự là con số báo động khi thủy sản xuất khẩu được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của Bạc Liêu. Đối với sản xuất nông nghiệp, tình hình “khát vốn” càng trở nên căng thẳng hơn, nhất là các hộ nuôi tôm. Thống kê về tình hình sản xuất nuôi trồng thủy sản từ đầu năm đến nay cho thấy, diện tích thả giống nuôi tôm theo mô hình công nghiệp, bán công nghiệp (CN-BCN) mới chỉ ở con số hơn 1.600ha so với với tổng diện tích nuôi tôm CN-BCN là 10.900ha. Trong đó, hơn 2.500ha đất bị bỏ trống chưa đưa vào sản xuất vì không có vốn. Vụ tôm này, nếu số diện tích bị bỏ trống không kịp thời khắc phục, các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu phải đối mặt với tình hình khan hiếm tôm nguyên liệu trầm trọng nhất từ trước đến nay.

Trước tình hình trên, Thường trực Tỉnh ủy đã ra Thông báo số 82-TB/VPTU về phương án nuôi tôm CN-BCN năm 2009 của các huyện, thị, trong đó yêu cầu “Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát, nắm lại tình hình các hộ vay vốn ngân hàng để nuôi tôm, góp phần tháo gỡ những khó khăn chung với tỉnh, không nên bỏ đầu tư trong lĩnh vực này”. Sau thông báo của Thường trực Tỉnh ủy, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bạc Liêu cũng ban hành văn bản số 153/NHNN-BAL2 chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiến hành khảo sát, nắm tình hình để đầu tư cho các hộ nuôi tôm. Tuy nhiên, ông Phan Trường Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT lại cho rằng: “Ngân hàng nói thì nói vậy, nhưng đến khi triển khai lại vướng, nhất là các quy định về cho vay. Bởi một vụ tôm kéo dài trong bốn tháng và chỉ khi thu hoạch mới đánh giá được hiệu quả kinh tế, nếu cán bộ ngân hàng nói mô hình hay dự án này chưa thẩm định được hiệu quả thì hy vọng vay vốn của nông dân kể như tiêu tan”.

CHỜ ĐỂ MẤT CƠ HỘI “VÀNG”

Có thể nói, sau khi triển khai Quyết định số 131 của Thủ tướng Chính phủ, một số ngân hàng đã có những động thái tích cực trong việc phổ biến tuyên truyền và tạo mọi điều kiện để các tổ chức, cá nhân được vay vốn ngân hàng như: chương trình hỗ trợ lãi suất 4%/năm của ngân hàng Vietinbank, Ngân hàng NN&PTNT hay chương trình “hỗ trợ lãi vay, chung tay vượt khó” của Ngân hàng Kiên Long… Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn hiện nay là làm thế nào để các tổ chức, cá nhân vay được vốn ngân hàng một cách nhanh chóng, kịp thời. Đề cập về việc hỗ trợ lãi suất cho vay, nhiều người cho rằng: đây là cơ hội “vàng” cho các doanh nghiệp, vì thời hạn vay được hưởng lãi suất ưu đãi tối đa là 8 tháng, do đó, doanh nghiệp nào không tranh thủ được nguồn vốn vay, coi như mất đi cơ hội. Việc tiến hành nhanh hỗ trợ lãi suất trong thời điểm khó khăn như hiện nay phải được coi là giải pháp cấp bách và cứu nguy cho các doanh nghiệp trước bờ vực phá sản vì thiếu vốn.

Xét ở khía cạnh nào đó, những vướng mắc về cơ chế vay nếu không sớm được “cởi trói”, thì nguồn vốn vay hỗ trợ sẽ khó khơi thông. Việc thực hiện chậm chạp Quyết định số 131 của Thủ tướng Chính phủ không những làm mất đi cơ hội “vàng” cho các doanh nghiệp, mà còn tác động tiêu cực đến việc sản xuất, kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp đang trông chờ vào nguồn vốn vay để tiếp tục duy trì sản xuất, còn người nuôi tôm cũng hy vọng các ngân hàng tiếp tục cho vay để đầu tư cho vụ tôm này.

Tại cuộc họp thành viên UBND tỉnh vừa qua, có ý kiến cho rằng: cần minh bạch hóa thông tin trong việc thực hiện Quyết định số 131 của Thủ tướng Chính phủ để ngăn ngừa và phát hiện kịp thời những tiêu cực có thể xảy ra trong việc thực hiện quyết định, như việc xét duyệt đối tượng vay. Đây cũng là điều kiện cần để các ngành, doanh nghiệp nắm bắt thông tin, cùng ngân hàng thảo luận, chia sẻ các giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính.

Doanh nghiệp có bị mất cơ hội “vàng” và ngân hàng có trở thành người bạn đồng hành với các doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn như hiện nay hay không, điều đó phụ thuộc vào các ngân hàng, vì đã có ngân hàng đã từng khẳng định “tồn tại của doanh nghiệp cũng là tồn tại của ngân hàng”.