Chưa bao giờ, người nuôi tôm ở Bạc Liêu lại gặp cảnh thất bát như năm nay. Ngay cả những người từng tha thiết với con tôm, cũng đã quay đầu với nó. Những đồng tôm xanh ngắt một màu giờ là đồng khô nứt nẻ, hệ thống máy quạt bị xếp xó ở ven hồ. Còn người nuôi tôm bắt đầu chọn con nuôi mới cho cuộc mưu sinh.
Bỏ bạn đành sao!
Có thể nói, chưa lúc nào chuyện con tôm lại được quan tâm nhiều như hiện nay. Việc huy động cả hệ thống chính trị để lo cho con tôm được triển khai rầm rộ từ huyện đến xã, xuống tận ấp. Thậm chí, lãnh đạo chủ chốt ở các địa phương cũng được phân công để “cùng ăn, cùng ở” với người nuôi tôm. Thế nhưng, sau hai tháng chỉ đạo kiên quyết không để diện tích trống, nhiều vùng nuôi tôm công nghiệp-bán công nghiệp ở Bạc Liêu vẫn là những đồng không, hoặc người dân đã cải tạo xong nhưng vẫn chần chừ chưa chịu thả giống. Đơn cử như địa bàn thị xã Bạc Liêu, được ví như “mỏ tôm” của tỉnh, với diện tích nuôi tôm công nghiệp-bán công nghiệp khoảng 5.500ha, nhưng tính đến tháng 5/2009, diện tích thả nuôi mới đạt 2.250ha. Ở huyện Đông Hải, diện tích thả giống cũng chỉ đạt hơn 32% trên tổng diện tích nuôi tôm hơn 1.000ha.
Nguyên nhân khiến nông dân không còn tha thiết với con tôm ngoài giá cả bấp bênh, độ rủi ro cao, người nuôi còn bị các đại lý kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản “bỏ rơi”. Nếu trước đây, người nuôi tôm chỉ cần lo tiền đầu tư cho việc cải tạo ao, thả con giống, 90% chi phí còn lại như tiền thức ăn, thuốc thú y dựa vào các đại lý. Năm nay, mối quan hệ này bị cắt đứt, làm cho nhiều hộ nuôi tôm bị đẩy vào cảnh “cười ra nước mắt”. Nếu muốn mua thức ăn, thuốc thú y cho suốt quá trình nuôi, người nuôi phải gối đầu các đại lý từ 50-70% giá trị hàng hoá, thậm chí 100%. Một vụ tiền thức ăn gối đầu có khi lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng, đã vượt quá tầm với của người nuôi tôm. Vì vậy, nhiều hộ sau khi cải tạo không dám nuôi tiếp. Cụ thể, trong 3.000ha nuôi tôm bị thiệt hại từ đầu năm đến nay, diện tích được khắc phục mới dừng ở con số 610ha.
Con gì thay thế?
Nhiều người cho rằng, vốn không phải là giải pháp duy nhất có thể giúp người nuôi tôm hiện nay và không thể giải quyết hết những khó khăn cho họ. Chỉ tính riêng huyện Hoà Bình, tổng dư nợ cho vay trong nuôi tôm đến nay đã lên đến 111,69 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn, nợ xấu là 102 tỷ đồng. Nhiều người phải bán đất, nhà, bỏ xứ đi nơi khác mưu sinh vì nợ do tôm để lại. Do đó, điều mà người nông dân cần hơn cả vốn là áp dụng mô hình sản xuất nào và nuôi con gì trong điều kiện đất đai bị nhiễm mặn và chờ giá tôm quay về thời vàng son?
Tại huyện Đông Hải, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi cá kèo, bống tượng, cá chình, cua... nhưng lại không tính đến yếu tố liên quan đến quá trình nuôi. Nếu năm 2008, diện tích nuôi cá kèo của huyện khoảng 50ha, thì năm nay con số này đã vượt trên 100ha. ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đông Hải cho biết: “Sau khi thống kê số hộ nuôi tôm chuyển sang nuôi cá kèo, Phòng Kinh tế cũng đặt vấn đề với ngành nông nghiệp về việc cung cấp con giống nhưng chúng tôi cũng không biết tìm ở đâu”.
Không riêng gì huyện Đông Hải, một số huyện, thị khác cũng chuyển từ con tôm sang các đối tượng nuôi khác, và dường như chẳng ai quan tâm đến nguồn cung về con giống. Điều đáng cảnh báo, việc nông dân đua nhau chuyển đổi nuôi những đối tượng khác, không những làm cho giá con giống tăng cao, chất lượng không đảm bảo mà còn có yếu tố bất ổn về thị trường. Đơn cử như cá kèo, vụ đầu thu hoạch giá bán ở mức 120.000 đồng/kg, nhưng chỉ cách một tháng hạ xuống còn 80.000 đồng/kg, rồi 60.000 đồng/kg. Bài học về cung vượt cầu không phải nông dân không nắm, nhưng họ không biết nuôi con gì trong khi ngành chức năng chưa có định hướng rõ ràng?!
Đừng để nông dân "đuối sức"
Để tháo gỡ khó khăn cho người nuôi tôm và không để diện tích sản xuất bị bỏ trống, các huyện, thị xã ven biển của tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành thống kê nhu cầu vay vốn, vận động thả nuôi, hỗ trợ con giống... nhưng giải pháp đó chỉ mang tính tạm thời. Ví dụ, việc hỗ trợ con giống lâu nay mang lại hiệu quả không cao bởi nuôi tôm đâu chỉ có con giống mà còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như chi phí thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản, xăng dầu... Sự vay mượn chắp vá này làm cho “lãi mẹ đẻ lãi con” và đẩy người nuôi tôm vào cảnh “ngồi trên lưng cọp”.
Theo ông Trần Thanh Tâm, Chủ tịch UBND huyện Hoà Bình: “Đối với những hộ không còn khả năng nuôi tôm, huyện vận động họ cho người khác thuê đất. Chỉ tính riêng 2 xã Vĩnh Hậu và Vĩnh Hậu A, đã có 118 hộ, với hơn 240ha cho người khác thuê để tiếp tục nuôi tôm. Nhờ vậy, diện tích nuôi tôm công nghiệp-bán công nghiệp cải tạo vượt kế hoạch và đã thả giống hơn 2.256/3.500ha. Dự kiến, số diện tích còn lại sẽ được thả giống hết”.
Việc người nuôi tôm quay lưng lại với con tôm cũng phải nói đến trách nhiệm của ngành quản lý. Bởi lâu nay, người nông dân vẫn “tự bơi” để tìm kiếm thị trường? Sau biến động về sức tiêu thụ của con tôm, ngành quản lý cho rằng: Nên chuyển hướng nuôi thưa sang nuôi dày, vì thị trường có xu hướng tiêu thụ tôm nhỏ. Nhưng nông dân xã Vĩnh Trạch (thị xã Bạc Liêu) lại khẳng định, chính tôm loại 30 con/kg đã giúp họ làm giàu. Cho đến giờ, số phận của con tôm vẫn chưa biết định đoạt thế nào, trong khi người nông dân lại thấp thỏm, lo âu trước con nuôi mới. Bao giờ tình cảnh này mới chấm dứt? Câu trả lời chỉ có khi mối liên kết “4 nhà” thực sự bền chặt.