00:00 Số lượt truy cập: 3235483

Bạc Liêu: Lao đao mùa tôm mới 

Được đăng : 03/11/2016

Ông Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn), một đại gia trong nghề nuôi tôm công nghiệp ở Bạc Liêu đã phải ''kêu'' như vậy khi bước vào mùa nuôi tôm mới năm 2008. Ông Ngoãn cho biết: "Hơn 40 ha tôm nuôi công nghiệp của tôi năm nay chi phí đầu vào tăng thêm gần 1 tỷ đồng do giá vật tư, con giống, thuốc thú y thủy sản đểu tăng hơn năm trước từ 1,5 đến 2 lần. Trong khi đó, tôi hoàn toàn không tiếp cận được vốn tín dụng từ Ngân hàng...''.


Khảo sát tại các cơ sở bán con giống cho thấy, 1 con tôm sú Post 15, hiện nay trên thị trường là 45 đồng/con, tăng 20 đồng /con so với cùng kỳ năm 2007 và cũng chưa chắc đã mua được con giống thật sự sạch bệnh như quảng cáo của các cơ sở bán con giống. Bởi vì hiện nay tại Bạc Liêu mặc dù đã qua hơn 5 năm chuyên dịch lúa-tôm, nhưng việc cung ứng con gíống cho người nuôi tôm trong tỉnh chỉ mới đáp ứng được 40% nhu cầu hằng năm. Toàn bộ con giống thiếu đều phải mua từ các tỉnh miền Trung mang về. Bạc Liêu là tỉnh có nhiều kênh rạch chằng chịt giao tiếp với các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, cho nên không thể nào kiểm tra, giám sát được việc du nhập tôm giống vào địa phương. Do vậy, con giống đang bày bán trên thị trường, người nuôi tôm mua về, phần lớn trông vào may rủi! Trong quí 1/2008, qua kiểm tra 106 xe chở tôm giống nhập vào tỉnh với số lượng hơn 66 triệu 500 ngàn con, đã phát hiện có đến 35 triệu 100 ngàn con giống nhiễm bệnh và phải tiêu hủy hơn 34 triệu con. Nhu cầu về con giống ngày càng lớn, dẫn đến cung - cầu về tôm giống bị mất cân đối nghiêm trọng. Các cơ sở sản xuất con giống vì lợi nhuận đã không còn chú trọng đến việc sản xuất con giống sạch bệnh mà chỉ làm sao sản xuất được càng nhiều con giống càng tốt, còn việc thả nuôi, hậu quả đối với sản xuất như thế nào họ chẳng cần biết. Trong khi đó, các các cơ sở sản xuất tôm giống của tỉnh Bạc Liêu, hầu hết đang ở trong giai đoạn ''ì ạch'' xây dựng!

Kế hoạch thả nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu năm 2008 là 125 ngàn ha, nhưng hiện nay diện tích đã thả nuôi mới chỉ đạt 102 ngàn ha. Khó khăn lớn nhất đối với người nuôi tôm hiện nay là tính trạng thiếu vốn trầm trọng và không tiếp cận được vốn tín dụng từ Ngân hàng... Một thực tế là đi đến đâu, gặp người nuôi tôm nào cũng đều thấy kêu và cho biết là ''đang chờ xem'' tình hình thế nào mới quyết định có nuôi tôm nữa hay không, vì giá đầu vào thứ gì cũng tăng, nhưng giá bán tôm nguyên liệu lại sụt thảm hại. Hiện nay, giá tôm nguyên liệu bình quân giảm hơn 40 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm 2007 mà cũng khó bán...

Chừng nào người nuôi tôm, nghề nuôi tôm chưa có được một qui trình nuôi khoa học, chưa được hỗ trợ về vốn, chưa có "đầu ra" ổn định thì chừng đó người nuôi tôm còn lao đao, nghề nuôi tôm chưa thể bền vững.