00:00 Số lượt truy cập: 3235594

Bạc Liêu: Nuôi tôm sú thành công nhờ phát huy hiệu quả tính cộng đồng 

Được đăng : 03/11/2016
Những năm qua, chính quyền địa phương cùng với bà con nông dân xã Hưng Thành luôn phấn đấu phát triển kinh tế nông nghiệp, thủy sản của địa phương. Nhờ thế mạnh sẵn có về điều kiện thổ dưỡng, khí hậu, người dân cần cù lao động nên các mô hình sản xuất kinh tế trên địa bàn có nhiều bước phát triển mới; riêng các mô hình nuôi trồng thủy sản được bà con thực hiện mang lại kết quả khá tốt. Nhiều nông dân trên địa bàn xã Hưng Thành có thu nhập bình quân khá, đời sống ngày càng đầy đủ hơn.

Chúng tôi được biết đến ông Trần Văn Hoàng ngụ ấp Ngọc Được – xã Hưng Thành – huyện Vĩnh Lợi – tỉnh Bạc Liêu là người thành công nhiều năm liền với mô hình nuôi tôm sú công nghiệp – bán công nghiệp (CN – BCN ). Ông Hoàng cho biết ông bắt đầu nuôi tôm sú từ năm 2000 với diện tích 0,5 ha, đến năm 2004 mở rộng lên diện tích 2 ha, mỗi năm thu nhập 300 – 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi từ 120 – 170 triệu đồng/năm. Nhờ nuôi tôm sú đúng quy trình kỹ thuật, lại chịu khó tìm tòi học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi nên đời sống gia đình ông dần khấm khá, cuộc sống đầy đủ hơn trước.

Khi kể với chúng tôi về thành công trong nuôi tôm sú, ông Hoàng chia sẻ năm 2000, đời sống gia đình ông còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào sản xuất 2 vụ lúa/năm. Sau đó thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của Nhà nước, chính quyền địa phương đã cho phép chuyển từ sản xuất lúa sang nuôi trồng thủy sản. Ông Hoàng đã mạnh dạn đầu tư ủi 0,5 ha đất canh tác lúa chuyển sang nuôi tôm sú và áp dụng hình thức nuôi quảng canh cải tiến với mật độ 5 con/m2”. Nhờ vào bản tính cần cù, siêng năng, điều kiện môi trường thuận lợi nên năm đầu tiên ông nuôi khá thành công, thu nhập gần 40 triệu, trừ chi phí lãi hơn 30 triệu đồng. Từ thành công bước đầu, ông tiếp tục thực hiện mô hình nuôi tôm sú với mức đầu tư ngày càng quy mô hơn. Sang năm 2004, khi đã tích lũy được vốn đầu tư sản xuất tương đối khá nên ông Hoàng quyết định chuyển sang nuôi tôm sú ứng dụng quy trình nuôi là: thả tôm sú với mật độ bán công nghiệp, đầu tư suốt vụ nuôi ở mức độ công nghiệp. Từ năm 2004 – 2008, ông Hoàng đầu tư nuôi tôm sú với diện tích 2 ha và ứng dụng quy trình nuôi này một cách rất hiệu quả. Ông cho biết: “Sau khi cải tạo ao nuôi thật kỹ, lấy nước vào ao nuôi đã qua xử lý triệt để thì tiến hành thả tôm giống (đã qua xét nghiệm PCR) với mật độ 12 – 15 con/m2”. Sau thời gian nuôi 5 – 6 tháng, ông thu hoạch khoảng 4 – 6 tấn tôm/vụ, cho thu nhập 300 – 500 triệu đồng/năm và lãi từ 120 – 170 triệu đồng/năm.

Trao đổi về kinh nghiệm nuôi tôm sú, ông Hoàng cho biết trong những năm qua, mỗi vụ nuôi ông đều đầu tư thật kỹ các khâu từ cải tạo, chọn con giống, chọn thức ăn, nuôi tôm theo quy trình vi sinh… mà ngành nông nghiệp khuyến cáo. Ông và một vài người nuôi tôm sú lân cận đã hình thành tổ, nhóm sản xuất trong quá trình nuôi. Vì thế, tính cộng đồng được phát huy tốt hơn, hạn chế dịch bệnh lây lan, duy trì diện tích và sản lượng tôm nuôi nhờ vậy mà hiệu quả sản xuất được tăng lên, kinh tế gia đình của người nuôi tôm ngày càng ổn định”.

Được biết, đã có nhiều người nuôi tôm sú tìm đến ông để được học hỏi kinh nghiệm và được ông tận tình hướng dẫn. Với những thành công đạt được trong nhiều năm qua, ông Hoàng được UBND xã Hưng Thành đề cử là nông dân sản xuất giỏi của địa phương và đi báo cáo điển hình nông dân sản xuất giỏi ở cấp huyện, tỉnh. Ông Hoàng còn được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen cho những nỗ lực, cống hiến trong suốt những năm qua trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của địa phương.