00:00 Số lượt truy cập: 3229018

Bắc Ninh: Giúp nông dân phòng trừ sâu bệnh hại lúa 

Được đăng : 03/11/2016
Vụ mùa năm nay, huyện Lương Tài gieo cấy 4.750 ha lúa, với các giống chủ lực như Khang Dân 18, Q5, Bắc Thơm, Nếp, Lai các loại. Để góp phần đạt chỉ tiêu năng suất bình quân hơn 55 tạ/ha, từ đầu vụ đến nay, Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã triển khai đồng bộ các biện pháp giúp nông dân phòng trừ hiệu quả các đối tượng sâu bệnh.  

Nét nổi bật trong sản xuất vụ mùa năm nay của Lương Tài là hầu hết diện tích được gieo cấy ở trà mùa muộn bằng các giống lúa thuần, lúa lai nguyên chủng, trong đó 870 ha gieo vãi. Lúa được chăm sóc kịp thời nên lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, do thời tiết có nắng mưa xen kẽ đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh phát sinh, gây hại. Kết quả điều tra trên đồng ruộng cho thấy sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 đang ra rộ với mật độ trung bình 2-3 con/m2, cục bộ 15 con/m2 gây hại trên hầu hết diện tích, đặc biệt những ruộng bón nhiều đạm, ven làng, gần đường cây, bụi rậm…; sâu đục thân hai chấm lứa 4 mật độ trung bình 0,05- 0,1 con/m2, cục bộ 7 con/m2, diện tích nhiễm chủ yếu là trà mùa sớm, đầu trà mùa trung. Ngoài ra chuột đồng gây hại cục bộ ở hầu hết các xã, thị trấn thời điểm cuối tháng 8, tỷ lệ trung bình 1- 2%, cá biệt 10% số rảnh. Tổng diện tích lúa bị nhiễm các đối tượng sâu, bệnh ước khoảng 1.500 ha. Sự xuất hiện của các đối tượng sâu, bệnh trên ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng, phát triển của lúa mùa, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ là nguyên nhân giảm năng suất, sản lượng.

Ông Đoàn Đắc Đức, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện cho biết: “Ngay từ đầu vụ, cùng với tổ chức các lớp  tập huấn kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh đến nông dân, Trạm còn thường xuyên cử cán bộ bám sát đồng ruộng để điều tra, dự tính dự báo sự phát sinh, tình hình sâu bệnh. Vừa qua, ngoài việc phối hợp với Đoàn liên ngành gồm Quản lý thị trường, Phòng Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản (Sở Nông nghiệp & PTNT) tiến hành kiểm tra kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, Trạm còn thường xuyên có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo nông dân biện pháp phòng trừ khi sâu bệnh phát triển đến “ngưỡng””. Đến nay, toàn huyện đã phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, sâu đục thân hai chấm lứa 4 cho hơn 2.000 ha lúa mùa bằng một trong ba loại thuốc Vitako 40 WG, Prevathon 5SC, Tasodan 600EC. Trao đổi với chị Nguyễn Thị Ngừng, thôn Ngọc Cục, xã Tân Lãng được biết, gia đình chị cấy 9 sào bằng các giống Q5, Khang Dân 18, D.ưu 6511, Nếp N97. Đến nay, 100% diện tích đều được chăm sóc 2 đợt với 6-8 kg đạm, 3-4 kg kaly, 15- 20 kg lân, 300 kg phân chuồng nên lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hiện đang trong giai đoạn làm đòng. Gia đình đã phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá, sâu đục thân hai chấm được hơn 5 sào bằng thuốc Prevathon 5SC nên đã hạn chế đáng kể thiệt hại do sâu bệnh gây ra.


Theo dự báo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, từ nay đến cuối vụ sẽ có rất nhiều loại sâu, bệnh phát sinh, gây hại, trong đó tập trung chủ yếu là bệnh vàng lá đốm sọc vi khuẩn, rầy nâu, chuột đồng... Do vậy, Trạm  tiếp tục đề nghị cán bộ khuyến nông, chính quyền các địa phương, các HTX thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, chủ động chỉ đạo phòng trừ khi sâu bệnh phát triển đến “ngưỡng”; tăng cường tập huấn hướng dẫn nông dân kỹ thuật và chỉ đạo phòng trừ theo nguyên tắc 4 đúng, an toàn, hiệu quả; tích cực tổ chức diệt chuột, bươu vàng; nêu cao vai trò quản lý Nhà nước đối với việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.