Miền Bắc đang đối mặt với khô hạn do tác động trực tiếp của hiện tượng El Nino, tình trạng này khả năng sẽ kéo dài, có thể xảy ra ở mức kỷ lục trong thời gian tới và dự kiến có khoảng 80.000 ha lúa vụ xuân 2010 trong khu vực bị thiếu nước phải chuyển đổi sang cây trồng cạn. Trước nguy cơ hạn hán xảy ra trên diện rộng, Bắc Ninh sớm có phương án chủ động ứng phó, phấn đấu không có diện tích lúa xuân nào phải chuyển đổi sang trồng màu.
Theo ông Đàm Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh thì tổng lượng mưa 11 tháng của năm 2009 trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 1200mm, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 300mm. Trong khi đó vào những tháng cuối năm lượng mưa trên địa bàn cũng không đáng kể. Đặc biệt, nước chứa ở các hồ thủy điện cũng xuống thấp nghiêm trọng. Đến thời điểm này, hồ Hòa Bình thiếu hụt khoảng 600 triệu m3, hồ Thác Bà hụt gần 1,1 tỷ m3, hồ Tuyên Quang hụt khoảng 900 triệu m3. Không chỉ hệ thống hồ chứa, nguồn nước các sông suối trong khu vực cũng đã xuống thấp hơn rất nhiều so với mực nước trung bình nhiều năm. Dòng chảy trên các sông khu vực Bắc Bộ có khả năng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 30%. Theo nhận định của Cục Thủy lợi (Bộ NN và PTNT), sông Hồng và sông Thái Bình từ tháng 2 đến tháng 4-2010 có thể thiếu hụt 40-50% lượng nước, rơi vào đúng thời điểm chính để gieo cấy lúa xuân. Đây là 2 con sông cung cấp nguồn nước tưới cho toàn tỉnh. Ngoài ra, mực nước trên sông Cầu cũng trong tình trạng xuống thấp, trong tháng 11 mực nước bình quân đạt +0,95m, có những ngày chỉ đạt ở mức +0,3m đến +0,4m. Trước tình hình khó khăn về nguồn nước như vậy, ngành Nông nghiệp đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai các phương án ứng phó, chủ động trữ nước tại các ao, hồ, kênh nội địa, đặc biệt là sông Ngũ Huyện Khê để bảo đảm đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất.
Để ứng phó với điều kiện nguồn nước cạn kiệt, ngay từ đầu mùa khô các huyện, thành phố, thị xã và 2 Công ty Khai thác Công trình Thuỷ lợi đã tích cực giải quyết, xử lý các trường hợp vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, giải toả ách tắc trên các dòng chảy. Phát động chiến dịch làm thuỷ lợi cải tạo đất, tập trung nạo vét cửa khẩu bể hút các trạm bơm, nạo vét các kênh dẫn, trục tiêu chính để tạo nguồn nước tưới cho các trạm bơm cục bộ. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã nạo vét được gần 1,3 triệu m3 đất, vượt hơn 21% kế hoạch và vớt bèo hơn 170 nghìn m2. Một số địa phương quan tâm chỉ đạo nên đạt kết quả cao và kết thúc chiến dịch sớm hơn kế hoạch như: Lương Tài và Yên Phong vượt 50% kế hoạch; Quế Võ vượt 13%; Thuận Thành vượt 12%... Đồng thời tiến hành tu sửa máy móc, thiết bị bảo đảm 100% số máy bơm hiện có hoạt động tốt. Dự trù kinh phí (xăng, dầu, vật tư, máy bơm, nhiên liệu…) sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng của các trạm bơm khi cần thiết. Các phương án tạo nguồn đã được triển khai. Đối với những trạm bơm như: Môn Quảng (khu vực Nam Đuống); trạm bơm Thái Hoà và các trạm bơm dọc sông Cầu (khu vực Bắc Đuống) triển khai bơm nước sớm để tích trữ sẵn trong nội đồng, vừa tạo nguồn để tưới cho cây trồng vụ đông, đồng thời lấy nước để gieo mạ xuân. Các vùng khó khăn của huyện Yên Phong dùng trạm bơm Lương Tân bơm theo tuyến kênh tiêu để tạo nguồn cho trạm bơm Đương Xá, tưới cho các xã Thuỵ Hoà, Đông Phong. Lắp trạm bơm dã chiến lấy nước từ sông Ngũ Huyện Khê để hỗ trợ cho trạm bơm Đông Thọ I, tiếp nước từ kênh Bắc Trịnh Xá xuống Cầu Tây để hỗ trợ khu vực thị trấn Chờ. Tiếp nước cho trạm bơm Tri Phương qua cống Phù Lộc lấy nước từ kênh Nam Trịnh Xá để tưới cho các vùng khó khăn của Tiên Du. Dùng trạm bơm Phú Lâm hỗ trợ tưới cho các xã Tam Sơn, Tương Giang của thị xã Từ Sơn. Đối với huyện Quế Võ, diện tích do trạm bơm Chi Lăng đảm nhận sẽ mở điều tiết Cầu Chằm hỗ trợ nguồn nước cho trạm bơm Chi Lăng, sử dụng trạm bơm Thái Hoà và Kim Đôi bơm hỗ trợ phục vụ các địa phương ở cuối kênh Nam Trịnh Xá. Khu vực Nam Đuống, mức độ khó khăn giảm hơn khu vực Bắc Đuống nên tiến hành bơm sớm và bơm kéo dài, tưới theo phân đoạn trên kênh chính, ưu tiên đưa xa trước, gần sau. Khi tưới cho khu vực Nghĩa Đạo (Thuận Thành) qua kênh Giữa sẽ kết hợp hoà nước của trạm bơm Như Quỳnh với trạm bơm Nghĩa Đạo. Khu vực hạ lưu thị trấn Hồ ngoài việc lấy nước của trạm bơm Như Quỳnh theo phương án chung, trong trường hợp khó khăn có thể dùng trạm bơm Môn Quảng. Để tạo nguồn nước tưới cho 2 huyện Gia Bình và Lương Tài thì dùng trạm bơm Môn Quảng bơm sớm để trữ nước vào sông Ngụ. Đồng thời tận dụng triều cường mở cống Văn Thai trữ nước cho sông Tuần La.
Trên cơ sở các phương án ứng phó, các Công ty Khai thác công trình Thuỷ lợi bám sát lịch xả nước của các hồ thuỷ điện để có kế hoạch đổ ải phù hợp. Theo dõi diễn biến mực nước trên các triền sông để vận hành các trạm bơm tưới phù hợp với nguồn nước và phát huy hiệu quả các công trình thuỷ lợi. Các địa phương cần chủ động phối hợp với các Công ty Khai thác Công trình Thuỷ lợi, để có kế hoạch cấp nước và sử dụng nước sao cho hợp lý, hiệu quả nhất, tránh thất thoát lãng phí, ngăn chặn việc tiêu nước khi chưa có mưa. Chỉ đạo điều hành lịch tưới phù hợp với tiến độ gieo cấy của từng vùng, từng loại giống lúa. Phấn đấu cấy 100% diện tích lúa xuân trong khung thời vụ.