00:00 Số lượt truy cập: 3229934

Bắc Ninh: Nuôi hươu rừng trên đất đồng bằng 

Được đăng : 03/11/2016

Quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, với bản chất của một người lính, ông Nguyễn Đức Năm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Môn (Yên Phong) đã mạnh dạn tìm hướng đi mới: Nuôi hươu rừng trên đất đồng bằng. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông đã thành công từ mô hình này được, người dân nhắc đến như một tấm gương cán bộ giỏi về chuyên môn và giỏi làm kinh tế.


Ít người biết được để có kết quả như ngày hôm nay là nhờ những kiến thức ông “thu nhặt” được trong quá trình công tác ở Hội Nông dân cấp cơ sở. Nhớ lại những ngày đầu mới đứng trên cương vị Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Năm cho biết: “Tôi đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau ở xã như: Bí thư, Chủ nhiệm, cho đến khi được bầu làm Chủ tịch Hội nông dân xã từ năm 2005 đến nay, nhiệm vụ công tác đã gắn kết tôi hơn với người nông dân. Cùng với việc tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia sinh hoạt Hội, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, tôi luôn có suy nghĩ phải tìm “nuôi con gì” để làm giàu cho mình cũng như cho người dân tại địa phương”.

Tình cờ ông Năm đọc được bài báo viết về mô hình nuôi hươu ở Hà Tĩnh cho hiệu quả kinh tế cao. Ông không khỏi thắc mắc: “Hươu là loài sống trên rừng liệu về đồng bằng có thích nghi với khí hậu ở đây không?” Nghĩ là làm, ông đã tự tìm hiểu và biết ở huyện Quế Võ có mô hình nuôi hươu cho hiệu quả kinh tế cao, nên ông quyết định đến nơi để học hỏi. Sau khi tận mắt nhìn thấy mô hình nuôi hươu, những câu hỏi đặt ra trước đó đều được thực tế giải đáp, ông nhận thấy đây là mô hình kinh tế có nhiều điểm ưu việt, phù hợp với điều kiện của bà con nông dân xã mình vì chi phí tiền thấp lại cho hiệu quả kinh tế hơn nuôi gà, trâu, lợn và gấp ba lần trồng lúa. Trong các cuộc họp của Hội Nông dân ở địa phương, ông Năm giới thiệu và giải thích tỉ mỉ về chuồng trại, kỹ thuật nuôi hươu cho bà con. Sau đó, ông và 15 nông dân xã Văn Môn vào tận huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh để tham quan và mua giống. Đường xa dù mệt nhưng ông Năm không nghỉ ngơi mà “nóng ruột” đến ngay chuồng trại của bà con để chọn hươu giống. Cẩn thận chọn lựa, ông Năm và những người cùng đi mua được 30 con hươu; ông Năm mua 8 con, mỗi hộ mua từ 2 đến 4 con. Hôm đưa hươu về, vợ chồng ông mừng lắm. Không có duyên nuôi gà, lợn, ông Năm lại bén duyên với nghề nuôi hươu. Vừa mua hươu về tháng 9-2005 thì tháng 2-2006, hươu đã cho thu hoạch nhung. Ngay vụ nhung đầu tiên, ông thắng lớn, ngoài thu hồi đủ vốn đã lãi 5 triệu đồng”. Cũng như gia đình ông Năm , các hộ nuôi hươu khác trên địa bàn đều thành công với nghề mới này. Đến nay, nuôi huơu lấy nhung đã trở thành một nghề mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho một số hộ dân ở địa phương. Về kinh nghiệm nuôi hươu, ông Năm cho biết: “Hươu là loài ăn tạp, dễ nuôi. Thức ăn là các loại rau, củ, quả, thân cây chuối, cỏ... Cần đề phòng một số bệnh cho hươu như trướng bụng, đầy hơi vì ăn phải thức ăn ôi thiu. Thường thì hươu ra nhung từ tháng 12 đến tháng 2. Trong thời gian này, để năng suất nhung cao, cần phải cho hươu ăn nhiều hơn, nhất là các loại thức ăn như đậu tương, cà rốt, ngô, các loại vitamin A, C, D”.

Không chỉ quan tâm triển khai các hoạt động “đặc thù” của một đoàn thể là: Tạo vốn, chuyển giao KHKT, ông Năm còn chỉ đạo Hội Nông dân xã làm tốt các hoạt động giúp đỡ hội viên như cho vay không lấy lãi cây trồng, con giống, vật tư nông nghiệp, truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức, giúp ngày công lao động… để cùng nhau thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp hội viên nghèo thoát nghèo. Theo ông Năm thì hiện nay mô hình kinh tế mới; cách làm mới để nông dân áp dụng rất tản mạn nhỏ lẻ, thiếu hệ thống, chưa kể đến tình trạng người nông dân thiếu vốn, kinh nghiệm, kiến thức KHKT… Làm giàu trên chính quê hương mình là cách làm giàu bền vững và ý nghĩa; bởi vậy ông Năm luôn mong muốn các cấp, ngành quan tâm hơn nữa đến nông dân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp các hộ nông dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.