Bảo Thắng (Lào Cai) tích cực giúp hội viên thoát nghèo
Được đăng : 03/11/2016
Trong những năm qua, để giúp đỡ hội viên thoát nghèo, Hội Nông dân huyện BảoThắng đã tích cực đổi mới nội dung phương thức hoạt động, thông qua các buổi sinh hoạt ở cơ sở.
Hội chủ động lồng ghép nhiều chương trình, cách làm để nông dân cùng nhau bàn bạc tìm cách phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, Hội thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở tìm hiểu hoàn cảnh của các hội viên, hướng dẫn, tạo điều kiện cho hội viên nâng cao kiến thức, áp dụng KHKT vào phát triển kinh tế gia đình…
Quý 1/2008, thời tiết rét đậm, rét hại làm cho mạ gieo sớm bị chết nhiều. Khắc phục khó khăn, Hội đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện mở 20 lớp tập huấn kỹ thuật gieo mạ trên đất cứng và chăm sóc mạ bằng phương pháp che phủ ni lông (chống rét) cho 824 lượt hội viên, nhờ đó nông dân Bảo Thắng đã cấy hết diện tích lúa xuân trong khung thời vụ. Ngoài ra còn phối hợp với trung tâm dạy nghề tổ chức các lớp chuyển giao KHKT về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng và chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Nhằm giúp nông dân có vốn mở rộng sản xuất, hàng năm Hội đã đứng ra tín chấp hàng tỷ đồng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp các hội viên có hoàn cảnh khó khăn đầu tư chăm sóc cây trồng, vật nuôi… Từ đó, nhiều gia đình hội viên, đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, sản xuất hàng hoá theo cơ chế thị trường, tạo khí thế cho phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" diễn ra ở khắp các địa phương trong huyện.
Điều đáng ghi nhận, qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới, xoá bỏ dần cách làm cũ và tập quán canh tác lạc hậu của đồng bào như mô hình trồng hành hoa của hộ bà Triệu Thị Mấy, dân tộc Dao Đỏ, thôn Xuân Tư, xã Gia Phú, nhờ chuyển đổi từ 0,5 ha đất kém hiệu quả sang trồng hành hoa, mỗi năm gia đình thu từ 15-17 triệu đồng, tăng gấp 4 lần so với trồng lúa. Số diện tích còn lại, chị đầu tư mua phân bón và đưa giống lúa năng suất cao vào trồng thâm canh tăng vụ…
Chị cho biết: Từ khi áp dụng chuyển đổi cây trồng, gia đình chị đã thoát nghèo, nuôi 2 con ăn học đại học. Đặc biệt, mô hình trồng ớt cao sản trên đất bãi của 5 hộ gia đình ở thôn Phú Long (thị trấn Phố Lu) do bà Nguyễn Thị Nhành là chủ dự án, cùng 5 hộ dân đã góp vốn đầu tư mua giống ớt cao sản trồng 4 ha trên đất bãi bồi trên sông Hồng, trước kia trồng ngô năng suất thấp. Vụ đầu tiên trồng cho thấy cây ớt thích hợp với đồng đất phù sa, dễ trồng, dễ chăm sóc, thời hạn thu hoạch dài, quả sai, hình thức đẹp, cây ớt trồng một lần cho thu hoạch quanh năm. Chị Nhành cho biết: mặc dù lần đầu đưa cây ớt vào trồng trên đất bãi lại đúng vào dịp rét đậm, rét hại kéo dài, tưởng chừng cây không chụi nổi nhưng 4 ha ớt vẫn phát triển tốt. Theo tính toán hiện nay chỉ mới thu hoạch đợt đầu đã cho thấy hiệu quả cao gấp 3-4 lần so với trồng ngô trên cùng diện tích, sản phẩm dễ tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu…
Hiện nay, nhiều hộ nông dân ở Bảo Thắng đang tích cực trồng ớt xuất khẩu. Để giúp các hộ dân phát huy hiệu quả từ cây ớt, rất cần các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân tăng cường biện pháp hướng dẫn nông dân thâm canh và chuyển đổi cây trồng tăng diện tích, năng suất và sản lượng, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người nông dân.