00:00 Số lượt truy cập: 3230653

Bảo Thanh - Một vụ đông vất vả 

Được đăng : 03/11/2016

Vụ đông bắt đầu phát triển ở Bảo Thanh từ trước năm 2000 và phát triển mạnh mẽ từ năm 2004.


Cây ngô được xem là cây trồng chủ lực trong vụ đông. Có những năm diện tích cây ngô đạt 60-70 ha, sản lượng trên 200 tấn. Việc phát triển cây vụ đông khiến bà con nông dân rất phấn khởi vì có thức ăn phục vụ chăn nuôi và sản phẩm từ cây vụ đông còn là hàng hóa cung cấp cho thị trường nhằm tăng thu nhập.

Nhờ phát triển cây vụ đông đã đưa tổng sản lượng cây có hạt của xã lên hơn 1.145 tấn/năm, bình quân lương thực đầu người đạt 387 kg/người/năm. Có thêm thức ăn chăn nuôi đàn trâu, bò, lợn, gia cầm của xã từ đó cũng tăng lên. Hiện nay xã có hơn 400 con trâu, bò; 4.727 con lợn và trên 32.000 con gia cầm. Với một địa phương chủ yếu sống nhờ nông nghiệp mà diện tích đất ruộng chỉ có 130 ha, trong đó do ngập úng nên chỉ có105 ha cấy được 2 vụ lúa và làm một vụ màu thì vụ đông càng trở nên quan trọng. Hàng năm UBND xã luôn đưa diện tích năng suất sản lượng của cây vụ đông vào chỉ tiêu phát triển kinh tế của địa phương để phấn đấu.

Năm nay xã đã đề ra mục tiêu vụ đông gieo trồng 50 ha ngô, năng suất bình quân 32 tạ/ha, sản lượng 160 tấn. Nhưng đã sang tháng 10, hết thời điểm gieo trồng một số cây vụ đông như: Ngô, đậu tương… vụ mùa mới thu hoạch xong. Đến nay, diện tích cây vụ đông của xã mới chỉ đạt 25ha.

Đi tìm nguyên nhân chúng tôi được biết, ngay từ đầu năm do diễn biến bất thường của thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài khiến cho nhiều diện tích lúa chiêm xuân của xã bị chết phải cấy lại. Lúa vừa bị rét vừa bị hạn hán mà xã thiếu công trình thủy lợi vì thế thu hoạch muộn đã ảnh hưởng đến tiến độ của vụ mùa. Vụ mùa năm nay xã đã chỉ đạo gieo cấy 60% trà lúa mùa sớm để làm vụ đông nhưng nhiều diện tích thu hoạch muộn nên sản xuất vụ đông gặp nhiều khó khăn.

Để kịp thời vụ, xã đã chỉ đạo bà con làm ngô bầu và trồng các giống ngô ngắn ngày nhưng vẫn không kịp vì gặt lúa xong đã hết thời vụ trồng ngô. Hơn nữa, giá vật tư, phân bón đầu vụ khá cao, 4.500 đồng/kg NPK, 5.000 đồng/kg phân đạm khiến bà con không mặn mà với việc đầu tư sản xuất vụ đông. Trong khi đó đồng đất Bảo Thanh không mấy thuận lợi cho việc canh tác bởi ruộng đồng dộc, không chủ động nước. Xã không có công trình thủy lợi nên việc tưới tiêu gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nói chung và vụ đông nói riêng.

Để khắc phục khó khăn trên, đồng chí Tạ Văn Lục- Chủ tịch UBND xã cho biết: Khi đã hết thời vụ gieo trồng cây ngô đông, xã chỉ đạo nông dân mở rộng diện tích trồng cây khoai lang và rau xanh các loại. Khuyến khích bà con đầu tư công sức, phân bón chăm sóc cho rau màu vụ đông phát triển tốt. Đồng thời tăng cường kiểm tra đồng ruộng, dự tính dự báo tình hình sâu bệnh đề phòng trừ kịp thời không làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng. Xã đã mở các hội nghị chuyển giao KHKT vào sản xuất cho bà con nông dân tham gia.

Để giảm bớt khó khăn cho nông dân, HTX là dịch vụ cung ứng phân bón trả chậm cho bà con nông dân. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất vụ đông năm nay nhưng xã Bảo Thanh vẫn xác định khó khăn chỉ là nhất thời, không riêng gì Bảo Thanh mà nhiều nơi cũng gặp khó khăn do thời vụ, giá cả vật tư. Đây cũng là vụ xã rút ra kinh nghiệm để chỉ đạo tiếp tục phát triển vụ đông ở những năm sau vì xã vẫn xác định vụ đông đã là vụ chính trong năm.