Bất cập trong chương trình nước sạch nông thôn ở Ninh Bình
Được đăng : 03/11/2016
Những năm gần đây, vấn đề nước sạch nông thôn được tỉnh Ninh Bình quan tâm, đầu tư, tăng tỷ lệ hộ nông dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt 75,3%, trong đó 31,3% số hộ được dùng nước sạch và 44% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, tăng 11,8% so với năm 2005.
Hiện nay, tỉnh đang gấp rút hoàn thành và đưa vào sử dụng thêm 16 dự án cấp nước tập trung để cuối năm nay đưa số hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 80%.
Tuy nhiên, chương trình nước sạch nông thôn của Ninh Bình thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập. Thứ nhất, đứng về góc độ quản lý. Hiện nay, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức quản lý, vận hành một số trạm cấp nước có quy mô lớn, còn UBND xã quản lý các công trình thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia, dự án lồng ghép do Chi cục Phát triển nông thôn bàn giao và các dự án liên thôn có quy mô nhỏ hơn. Riêng các dự án quy mô thôn, xóm thì lại do thôn, xóm tự thành lập tổ quản lý, vận hành. Một số trạm cấp nước khác thì do doanh nghiệp tư nhân quản lý, vận hành. Sự "đa dạng" về mô hình quản lý kéo theo giá nước không thống nhất giữa các thôn, xóm, xã, dao động từ 2.000 đến 5.000 đồng/m3. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình mới chỉ có trạm cấp nước xã Gia Tân (huyện Gia Viễn) được thu mức phí theo giá UBND tỉnh phê duyệt. Một số dự án nước sạch nông thôn chưa phát huy hết công suất thiết kế, có công trình đã xuống cấp hoặc hư hỏng, chưa sửa chữa kịp thời, tình trạng thất thoát nước (có công trình tỷ lệ thất thoát nước lên tới 30-40%) khiến nhân dân bức xúc vì giá thành bán nước còn cao.
Hai là, việc khảo sát thiết kế trước khi xây dựng công trình cấp nước sạch còn bộc lộ nhiều sơ hở, chưa sát với thực tế. Theo quy định của Nhà nước, khi thiết kế xây dựng công trình cấp nước phải dựa trên nhu cầu sử dụng của số hộ trong vùng. Tuy nhiên, thực tế sau khi công trình được đưa vào vận hành thì số hộ sử dụng thấp hơn nhiều so với khảo sát ban đầu, có nơi chỉ gần 40% số hộ sử dụng như ở xã Yên Mạc (Yên Mô), Phú Lộc (Nho Quan). Ngoài ra, không ít công trình cấp nước sạch thi công chậm, khiến vốn đầu tư bị đội giá, trong khi người dân không có nước sạch dùng hằng ngày. Ðó là dự án tại các xã: Gia Phong, Gia Minh (Gia Viễn), Kim Mỹ (huyện Kim Sơn) khởi công gần năm năm chưa hoàn thành. Nhà máy nước thị trấn Me (Gia Viễn), tháp nước xây dựng đã gần năm năm với tổng kinh phí gần năm tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn bỏ trống.
Ba là, việc bố trí nguồn nhân lực cho ngành nước sạch nông thôn thiếu ổn định. Mặc dù thời gian qua, toàn tỉnh mở năm lớp huấn luyện, đào tạo cho 250 người về vận hành, quản lý các công trình cấp nước, song người lao động trong các trạm cấp nước ở cơ sở hiện vẫn không có việc làm ổn định, mức lương bấp bênh.
Nhu cầu sử dụng nước sạch ở khu vực nông thôn tỉnh Ninh Bình còn rất lớn. Nhiều hộ nông dân hiện vẫn chưa được dùng nước hợp vệ sinh và hằng ngày vẫn phải lấy nước sông, ao hồ để sử dụng. Trong khi nguồn nước tự nhiên đang có nguy cơ bị ô nhiễm bởi các chất độc hại như thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất,v.v. Các huyện cần sớm xây dựng phương án giá nước sạch sao cho hợp với thu nhập của nông dân để trình UBND tỉnh phê duyệt. Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần thường xuyên kiểm tra chất lượng nước của nhà máy và các trạm cấp nước, nhằm bảo đảm vệ sinh cho người sử dụng. Thường xuyên nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quản lý và vận hành các trạm cấp nước sạch tại cơ sở, tăng thu nhập cho những người trực tiếp vận hành, tránh tình trạng thu nhập thấp như hiện nay.