00:00 Số lượt truy cập: 3231237

Bến Tre lúng túng đối phó dịch bệnh trên gia súc, gia cầm 

Được đăng : 03/11/2016
Tỉnh Bến Tre đang đối mặt với hai trận dịch cùng một lúc: Cúm H5N1 trên đàn vịt ở  huyện Ba Tri và bệnh tai xanh trên đàn lợn ở huyện Mỏ Cày. Hiện các cơ quan chức năng trong tỉnh vẫn lúng túng trong đối phó với hai loại dịch này.

Theo báo cáo của ngành chuyên môn, đến cuối tháng 8, huyện Ba Tri có hơn 4.600 con vịt nhiễm vi-rút H5N1. Hiện số vịt này đã được tiêu hủy hoàn toàn. Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Thú y tỉnh: "Tình hình dịch cúm trên đàn vịt ở Ba Tri là nghiêm trọng. Vì lúc đầu chỉ phát hiện có hai ổ dịch ở xã An Bình Tây, mặc dù thực hiện đầy đủ các biện pháp ngăn chặn, nhưng sau đó lại lây lan thêm 10 ổ ở  các xã Mỹ Chánh, An Hiệp, Vĩnh  Hòa và Phú Ngãi".

Ði vào vùng dịch ở Ba Tri thấy rõ tính chất nghiêm trọng đó. Các điểm có gia cầm nhiễm dịch rải đều cả huyện. Nếu không ngăn chặn kịp thời, lan ra các xã còn lại trong huyện. Ðiều nguy hiểm là, các xã có ổ dịch này lại nằm liền kề các huyện lân cận, như Giồng Trôm, Bình Ðại, Thạnh Phú. Người và xe qua lại giữa các huyện khá nhiều, nguy cơ phát dịch cúm gia cầm ở Ba Tri lan sang các huyện lân cận là có thể xảy ra.

Những nguyên nhân dẫn đến tái phát dịch ở vùng này chủ yếu do ba yếu tố: Tâm lý chăn nuôi, chủ quan trong việc tiêm phòng và nguồn nước kênh mương ở đây ô nhiễm trầm trọng. Ở mười xã của vùng này, phổ biến vẫn là vịt chạy đồng và nuôi nhốt ở kênh, rạch. Chuồng trại bẩn, không bảo đảm vệ sinh. Ðây là điều kiện cho dịch bệnh tán phát nhanh. Vịt bị cúm lần này đều cần được tiêm phòng nhưng không đều, không đủ liều lượng hoặc tiêm không đúng định kỳ, thậm chí có đàn không tiêm phòng.

Khác với dịch cúm gia cầm ở Ba Tri, bệnh tai xanh trên đàn lợn ở Mỏ Cày trong gần hai tháng qua xảy ra ở hơn 40 hộ thuộc hai xã: Minh Ðức (năm hộ) và Cẩm Sơn (35 hộ), với tổng số lợn mắc bệnh là 446 con. Lực lượng chuyên ngành đã tiêu hủy 428 con, số còn lại do dân tự tiêu hủy. Ðó mới chỉ là số lợn qua kiểm tra phát hiện nhiễm bệnh. Ngày 26-8, các cơ quan chức năng tiếp tục tiêu hủy 404 con sống chung chuồng với lợn bệnh. Như vậy, đã có hơn 800 con lợn bị tiêu hủy.

Tại xã Cẩm Sơn, ngay đầu xã dựng tấm biển công bố vùng dịch. Trên đường, cứ mỗi  đoạn đường khoảng 100 m là một vạch vôi trắng xóa đổ ngang. Chủ trương là "nội bất xuất, ngoại bất nhập", nhưng vẫn có thương lái lẻn vào  mua lợn bệnh, rồi đem qua xã lân cận chứng nhận để đưa đi nơi khác bán. Do xót của, khi chữa không khỏi, người dân mới đồng ý cho tiêu hủy lợn. Vậy là, người dân có lợn bệnh thì bị thiệt hại đã đành, nhưng những hộ có lợn chưa mắc bệnh thì đang loay hoay không có lối ra, bán không được, mà nuôi cũng không xong, không có vốn đầu tư mua thức ăn. Lợn ăn không đủ sức thì giảm sức đề kháng, mà sức đề kháng bị giảm thì lây nhiễm vi-rút là không tránh khỏi.

Chỗ chôn lợn cũng là một vấn đề đặt ra vì tỉnh Bến Tre là vùng đất thấp, lại gặp mùa nước nổi, đào sâu chưa quá 0,4 m là có nước, lấp lại vài ngày sau thì sình lên, nước trào và bốc mùi hôi thối. Ðến nhà anh Hùng ở ấp Phú Trạch 2, chỉ có hai công đất mía, muốn chôn lợn thì phải đốn mía. Ðợt đầu, anh chôn 28 con, trước khi chôn đã đốt bằng dầu, đậy vải mũ mới lấp đất lại, 15 ngày sau đã bốc mùi. Ðợt tiêu hủy thứ hai, anh phải xin chuyển về đất công của xã.

Hiện giờ, các cơ quan chức năng ở Bến Tre vẫn lúng túng trong xử lý các ổ dịch tiêu hủy cả "ổ chuồng có lợn bệnh", hay "xử lý cả chuồng lợn có bệnh". Dịch bệnh tai xanh rất dễ lây lan, vì các hộ liền cư có chuồng lợn gần nhau, lại sử dụng mương nước chung. Số lượng lợn, vịt tiêu hủy cho đến giờ này so với tổng số đàn chưa phải là lớn, nhưng các ổ dịch lại rơi vào vùng trung tâm của đàn vịt và đàn lợn trong tỉnh.  Nếu tỉnh không có biện pháp kiên quyết xử lý các ổ dịch, sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong gia cầm và lợn ra diện rộng.