00:00 Số lượt truy cập: 3235740

Bệnh phấn trắng tàn phá hoa hồng 

Được đăng : 03/11/2016
Tết Nguyên đán cùng với Lễ Tình nhân đang đến gần, thế nhưng nhà vườn Đà Lạt đang lo lắng vì bệnh phấn trắng hoành hành trên hoa hồng.

 

Mỗi năm khi đến thời điểm giao mùa thì bệnh phấn trắng lại "tấn công" hoa hồng. "Nhưng sao năm nay bệnh lại phát triển mạnh đến thế, nông dân canh tác hoa hồng chúng tôi điêu đứng hết rồi" - nghệ nhân Bùi Minh Thìn ở làng hoa hồng Vạn Thành (P.5, TP Đà Lạt), người vừa được vinh danh trong Lễ hội Festival hoa vừa qua - lắc đầu ngao ngán. Cũng theo nghệ nhân Thìn có lẽ năm nay do thời tiết bất thường, nắng nóng mà độ ẩm cao nên bệnh phấn trắng phát triển mạnh. Chủ tịch Hội Nông dân phường 5 - TP Đà Lạt Nguyễn Đức Học cho biết: "Người trồng hoa hồng thường phải đối phó với nhiều loại bệnh như mắt cua, vàng lá, nhện đỏ, phấn trắng... Trong đó nhện đỏ và phấn trắng là 2 hung thần nguy hiểm của loại hoa tình yêu này. Nhện đỏ ăn trụi cây vừa được nông dân khống chế xong, còn bây giờ thì đến bệnh phấn trắng, nông dân chưa biết trị bằng cách nào. Hiện gần 100% vườn hoa hồng ở làng hoa Vạn Thành đều bị nhiễm bệnh này".


Lá hoa hồng bị mo lại do bệnh phấn trắng - Ảnh: G.Bình
Được biết, bệnh phấn trắng do nấm Sphaerothecapannosa Lev var Rosae gây nên. Căn bệnh này rất nguy hiểm đối với hoa hồng, không chỉ khó chữa mà còn lây lan rất nhanh, có thể lây qua gió, qua nguồn nước, phấn gây bệnh dễ dàng di chuyển từ vườn nọ sang vườn kia. Nhiều nông dân quả quyết: "Nếu không để ý, chỉ sau một hôm là phấn trắng cả vườn, lơ là một chút thì trắng tay như chơi". Một nông dân khác ở làng hoa này chỉ vào vườn hoa hồng đang trổ bông của mình thở dài: "Anh thấy đấy, hoa cong queo như thế này thì làm sao mà bán buôn".

Theo quan sát của chúng tôi, bệnh phấn trắng làm hoa hồng bị mo lá, quắp nụ bông, cong cổ bông khiến cây không phát triển được. Nguy hiểm hơn nó có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của cây sau khi thu hoạch. Điều lo ngại là dù bệnh này đã xuất hiện nhiều năm nhưng đến bây giờ nông dân trồng hoa vẫn chưa tìm được thuốc đặc trị loại bệnh này. Theo nghệ nhân Bùi Minh Thìn thì hiện nay nông dân đang dùng... kinh nghiệm để trị bệnh là chính, nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng nhưng chỉ thấy giảm được chút ít chứ hiệu quả không cao.


Đóa hoa hồng bị bệnh phấn trắng - Ảnh: G.Bình
Cũng theo ông Thìn thì trước kia ông dùng thuốc Calixin 75EC của Đức do một công ty ở TP.HCM phân phối thì đặc trị được bệnh phấn trắng trên cây hoa hồng, thế nhưng từ năm 2005 đến nay ông không thể nào tìm ra loại thuốc này trên thị trường.

Diện tích trồng hoa hồng hằng năm ở Đà Lạt khoảng 200 ha, được trồng nhiều ở phường 4 (làng hoa An Sơn), phường 5 (làng hoa Vạn Thành), phường 8 (làng hoa Đa Thiện). Hầu hết các vườn hoa này ít nhiều đều đang bị bệnh phấn trắng. Ông Nguyễn Đức Học than: "Hiện nông dân trồng hoa ở đây bó tay với loại bệnh này. Năm nay, ngoài năng suất hoa nói chung giảm 30 - 40%, riêng tại các vườn bị nhiễm bệnh năng suất hoa giảm đến 60-70%". Chủ tịch UBND phường 8 Lê Tấn Lâm cho biết: "Làng hoa Đa Thiện cũng bị nhiễm bệnh phấn trắng nhiều lắm, hiện chưa có thuốc nào đặc trị cả. Nông dân đang bị te tua, sản lượng và chất lượng hoa giảm sút đến 50 - 60%". Trước mắt, hoa hồng sẽ khan hiếm trong dịp Lễ Tình nhân (14.2) sắp tới. Nông dân trồng hoa hồng đang rất cần sự giúp sức của các nhà khoa học.