00:00 Số lượt truy cập: 2668966

Bệnh tai xanh ở lợn (PRRS) và những điều người chăn nuôi cần biết 

Được đăng : 03/11/2016
Bệnh tai xanh ở lợn xuất hiện đầu tiên tại Mỹ năm 1987, sau đó liên tiếp phát ra ở các nước: Canada, Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Nhật Bản... gây nhiều thiệt hại cho các nền chăn nuôi lợn công nghiệp. Ban đầu, người ta gọi là ”Bệnh thần bí ở lợn”. Năm 1992 Hội nghị quốc tế về bệnh này thống nhất gọi là ”Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp”, hay bệnh “Tai xanh” ở lợn.


Bệnh xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1997, trên đàn lợn nhập từ Mỹ. Tuy nhiên, dịch tai xanh chỉ bắt đầu xuất hiện ở tỉnh Hải Dương từ tháng 3 năm 2007, sau đó lây lan ra các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ, gây nhiều tổn thất cho ngành chăn nuôi lợn.

Từ cuối tháng 3 năm 2010, dịch lại xuất hiện từ Hải Dương và phát tán ra các tỉnh trong khu vực. Tính đến ngày 19-5-2010 đã có 15 tỉnh công bố dịch lợn tai xanh gồm: Hải Dương; Thái Bình; Hưng Yên; Thái Nguyên; Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hoà Bình và Cao Bằng, làm cho hàng trăm nghìn lợn mắc bệnh, hàng chục nghìn con chết phải tiêu huỷ.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, từ đầu tháng 4 năm 2010, dịch xuất hiện ở đàn lợn thuộc các huyện Lương Tài, Thuận Thành, Gia Bình và Từ Sơn. Mặc dù các biện pháp phòng chống ngăn chặn đã được triển khai khẩn trương, song do tính chất lây lan nhanh của dịch, do chưa có vaccin phòng bệnh và thuốc trị bệnh đặc hiệu; mật độ đàn lợn cao lại được chăn nuôi trong các khu dân cư, khó kiểm soát dịch bệnh, nên đến ngày 19-5-2010, toàn tỉnh đã có hơn năm mươi nghìn con lợn nhiễm bệnh, trong đó hơn 13.000 con chết phải tiêu huỷ, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Để giúp người chăn nuôi phòng chống dịch đạt hiệu quả, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin về bệnh tai xanh và các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch. Bệnh tai xanh ở lợn do vi rút PRRS gây nên. Vi rút gây bệnh gồm hai chủng: Chủng châu Âu và chủng Bắc Mỹ

Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh trên diện rộng, làm cho các giống lợn ở mọi lứa tuổi đều mắc bệnh (lợn nái, lợn thịt, lợn sữa, lợn đực giống, lợn rừng...).

Vi rút PRRS tấn công hệ thống đại thực bào, làm suy giảm hệ miễn dịch của lợn, tạo cơ hội cho các bệnh truyền nhiễm như: Dịch tả, Tụ huyết trùng, Đóng dấu, Phó thương hàn, Suyễn, Liên cầu khuẩn... kế phát. Các bệnh kế phát là nguyên nhân chủ yếu gây chết ở những lợn mắc tai xanh.

Lợn mắc bệnh thường có các biểu hiện: Sốt 40 - 41oC, bỏ ăn, ủ rũ mệt mỏi, ho, khó thở, da ban đỏ chuyển dần sang tím tái, một số lợn có biểu hiện xanh tím ở tai. Lợn nái thường sảy thai, thai chết lưu, phối giống khó thụ thai, vô sinh... Lợn đực giống mệt mỏi, giảm tính hăng, số lượng và chất lượng tinh dịch giảm. Lợn con theo mẹ sốt, ho, tiêu chảy và chết hàng loạt v.v...

Những nơi dịch đi qua, thường để lại hậu quả rất nặng nề, tỷ lệ lợn nái và lợn con theo mẹ chết cao, lợn nái và lợn đực giống mắc bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng đàn lợn con của các lứa đẻ tiếp theo.

Muốn phòng, chống dịch lợn tai xanh đạt hiệu quả, các cơ sở chăn nuôi và các địa phương cần thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Khi chưa xuất hiện dịch bệnh.

Phải đặc biệt coi trọng các biện pháp phòng dịch; việc phòng dịch cần được tiến hành thường xuyên, liên tục theo một quy trình nghiêm ngặt. Chuồng trại nuôi lợn phải biệt lập để tránh người, phương tiện giao thông hoặc các loài động vật đưa vi rút từ nơi khác vào khu chăn nuôi. Công nhân chăn nuôi, dụng cụ và phương tiện vận chuyển khi ra - vào khu vực chăn nuôi phải khử trùng tiêu độc bằng các loại thuốc sát trùng. Thường xuyên tiêu diệt ruồi, muỗi và các tác nhân trung gian truyền bệnh…

Thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học: bảo đảm giống, thức ăn, nước uống, chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và phương tiện vận chuyển đều không có vi rút gây bệnh. Tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn lợn như: dịch tả; tụ huyết trùng; phó thương hàn; đóng dấu; lở mồm long móng; sưng phù đầu, suyễn… Thường xuyên kiểm tra giám sát dịch bệnh; phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi có những dấu hiệu đầu tiên của dịch bệnh.

Kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông vận chuyển lợn và các sản phẩm tươi sống của lợn ra vào địa bàn, xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch. Những lợn được nhập từ các địa phương khác phải có hồ sơ rõ ràng và phải nuôi cách ly để theo dõi từ 15 ngày trở lên. Nếu an toàn mới cho nhập đàn.

Áp dụng quy trình chăm sóc nuôi dưỡng tiên tiến, phù hợp với từng lứa tuổi và từng loại lợn, bảo đảm cho lợn sinh trưởng, phát triển tốt; nâng cao sức kháng bệnh cho lợn.

2. Khi có dấu hiệu dịch bệnh.

Bệnh phải được phát hiện sớm, ngay từ khi có những dấu hiệu đầu tiên, quản lý chặt các ổ bệnh, cách ly hoàn toàn đàn lợn ốm với môi trường ngoài. Đình chỉ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ở các xã có dịch và các xã tiếp giáp. Không đưa lợn và sản phẩm của lợn ra - vào vùng dịch. Nghiêm cấm việc bán chạy lợn ốm hoặc vứt xác lợn chết ra môi trường.

Các trang trại nuôi lợn phải thực hiện cấm trại. Ngừng xuất nhập lợn trong thời gian có dịch; thức ăn, nước uống cho lợn phải được khử trùng hàng ngày. Cán bộ, công nhân thuộc trại phải bố trí làm việc và ăn, nghỉ tại trại. Người cần thiết ra khỏi trại, khi trở lại phải sát trùng quần áo, giày dép, tắm gội nhiều lần và bố trí làm việc ở khu cách ly sau 2 ngày mới cho vào trại.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh. Người không có nhiệm vụ thì không vào khu vực có dịch. Những người cần phải vào ổ dịch phải mang bảo hộ phòng dịch như: quần áo bảo hộ, ủng, mũ, kính, găng tay... Người và phương tiện trước khi ra khỏi vùng dịch phải vệ sinh tiêu độc để tránh làm phát tán mầm bệnh.

Toàn bộ số lợn chết do mắc bệnh tai xanh phải thu gom, tiêu hủy đúng quy cách theo hướng dẫn của Thú y, nghiêm cấm việc vứt xác lợn ra môi trường làm lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.

Lợn có triệu chứng bệnh, phải cách ly tại khu riêng biệt để được chăm sóc nuôi dưỡng và điều trị tích cực. Cho ăn thức ăn dễ tiêu, cân đối dinh dưỡng, tăng cường cho ăn rau xanh, kết hợp với sử dụng các thuốc trợ lực, thuốc nâng sức kháng cho lợn như: glucose, chất điện giải, vitamin C, vitamin nhóm B, thuốc hạ sốt, giảm đau, và sử dụng các loại kháng sinh phổ rộng như: (Penicillin + Streptomycin) Amoxycline; Amox LA; Enrofloxacine; Genta-Tylo… nhằm giảm số lợn chết do các bệnh kế phát.

Chú ý: Trong hai đến ba ngày đầu điều trị cho lợn, nên sử dụng những kháng sinh phổ rộng và có tác dụng nhanh như: (Penicillin + Streptomycin), những ngày sau đó mới thay thế bằng một trong những kháng sinh tác dụng chậm như Amoxycline; Amox LA; Enrofloxacine; Genta-Tylo… kết hợp với các thuốc trợ lực và vitamin sẽ cho hiệu quả cao.