00:00 Số lượt truy cập: 3229421

Bệnh trắng lá mía: Giống mới vẫn mắc bệnh 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh trắng lá mía vẫn đang hoành hành trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), xảy ra trên cả các giống mía mới…


Giống nào cũng bị bệnh

Trở lại xã Ninh Sim - một trong những vùng trồng mía lớn tại thị xã Ninh Hòa, đi đâu chúng tôi cũng nghe nông dân than vãn về bệnh trắng lá mía.

Năm ngoái, ông Lê Thuận Tâm (thôn Tân Khánh 1) trồng 1,1ha giống KPS trong chương trình giống của Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa chuyển giao. Ông Tâm cho biết: “Mía tơ cây phát triển tốt, to khỏe, vậy mà khi thu hoạch xong, 90% mía gốc mọc lên đều bị trắng lá, mặc dù đây được xem là giống mới hoàn toàn. Không thể cứu vãn, tôi đành phá bỏ và trồng lại một nửa diện tích mía giống Suphanburi, một nửa đậu và bắp...”. Ngoài diện tích mía trong chương trình giống, ông Tâm còn có 2ha mía cũng bị mắc bệnh trắng lá, buộc ông phải phá bỏ và trồng các giống mía: MY, K 95-156 và Suphanburi thay thế. Theo ông, các giống này có tỷ lệ bệnh nhẹ hơn.

Bà Trần Thị Kiệp (thôn Nông Trường) cho biết, năm ngoái, bà nhận giống KPS của Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa chuyển giao trồng 1ha. Vụ mía tơ không bị bệnh trắng lá, nhưng mía gốc lại xuất hiện bệnh, năng suất giảm chỉ còn 40 tấn/ha làm bà thiệt hại hơn 10 triệu đồng. Tất cả ruộng mía giống của 5 hộ trong thôn được Công ty chọn trồng đều bị bệnh trắng lá, đã có 4 người phá bỏ, chỉ còn bà Kiệp tạm thời giữ được. Được biết, 3ha mía của bà nằm ngoài chương trình giống, trồng giống Suphanburi cũng mắc bệnh trắng lá với mức độ 30%.

Nhiều diện tích mía bị bệnh trắng lá đã chuyển sang cây trồng khác

Theo ông Trương Công Danh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Sim, cây mía khu vực này đã bị nhiễm bệnh từ nhiều nguồn (đất, giống...), khi gặp điều kiện thuận lợi (hạn hán, đất xấu, thiếu nước tưới...) thì phát ra nên rất khó chọn giống. Giống nào cũng bị bệnh, ngay cả giống mới như KPS.

Chưa có giải pháp hiệu quả

Tuy bệnh trắng lá mía lan rộng nhưng đến nay, các địa phương tại thị xã Ninh Hòa vẫn rất lúng túng trong cách phòng trừ. Theo Trạm Bảo vệ thực vật Ninh Hòa, đến nay, toàn thị xã có gần 1.700ha mía bị bệnh trắng lá với tỷ lệ từ 10 đến 50% trên các giống: Suphanburi, KPS 01-25, Uthon 4, K 88-92... Trạm đã khuyến cáo người trồng mía theo dõi chặt chẽ; đồng thời hướng dẫn nông dân cách phòng trừ nhằm giảm thiệt hại.

Ông Thái Tiến Dũng - Trưởng phòng Nguyên liệu Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa cho hay, KPS là giống mía mới có nguồn gốc từ Thái Lan, được khảo nghiệm rất kỹ từ Viện Nghiên cứu mía đường Bến Cát (tỉnh Tây Ninh). Trong niên vụ trước, giống này đưa về trồng tại Ninh Hòa cũng bị bệnh. Các giống khác đều có thể mắc bệnh do điều kiện canh tác. Thiếu nước, đất xấu, thiếu đầu tư, chăm sóc... đều là yếu tố thuận lợi để mầm bệnh phát sinh. Bệnh trắng lá đang phát triển tại 820ha của Công ty. Nếu diện tích mía bị bệnh dưới 50%, Công ty hỗ trợ công lao động nhổ bỏ, tăng cường các biện pháp chăm sóc như: bón phân, phun dinh dưỡng qua lá để tăng cường sức đề kháng. Trường hợp diện tích bị bệnh hơn 50%, sẽ vận động nông dân mạnh dạn cày phá bỏ, Công ty hỗ trợ công lao động, lãi suất đầu tư và giống đậu xanh trồng luân canh. Việc hỗ trợ này không phân biệt diện tích trong hay ngoài chương trình giống của Công ty... Được biết, vùng khảo nghiệm giống mía mới của Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa triển khai tại 2 xã: Ninh Sim và Ninh Tây với tổng diện tích hơn 50ha. Các giống mới như: KPS, K 95-84 và các giống nhóm K đều bị nhiễm bệnh với tỷ lệ khác nhau.

Theo ông Đỗ Thành Liêm - Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa, bệnh trắng lá mía chủ yếu bùng phát mạnh tại khu vực Bắc Quốc lộ 26; ở khu vực phía Nam, mía chỉ mắc bệnh rải rác. Bệnh trắng lá là bệnh dịch đặc biệt, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu mía đường Bến Cát đã ra khảo sát và cho biết các tỉnh: Gia Lai, Tây Ninh cũng đang đối mặt với bệnh trắng lá mía. Theo ông Liêm, hiện nay, việc hỗ trợ không còn phù hợp bởi vụ mía đã đi qua khá lâu, giải pháp tối ưu là nhổ bỏ để tiêu hủy nhằm không cho bệnh lây lan.

Q.V