00:00 Số lượt truy cập: 2668507

Bí quyết lúa gieo thẳng theo hàng 

Được đăng : 03/11/2016
Năm 2010, Hà Nội thực hiện được 10.920 ha gieo thẳng, lợi nhuận thu được vượt trội so với phương pháp gieo cấy truyền thống ước khoảng 53 tỉ.

Ưu điểm vượt trội

Ưu điểm nổi bật của gieo thẳng lúa theo hàng bằng công cụ kéo tay có khá nhiều: Có thể áp dụng cho cả hai vụ xuân và mùa ở những nơi chủ động tưới tiêu trong thời kỳ mạ; Giảm chi phí sản xuất, nhất là giảm giống (gieo bình quân 0,8-1,2kg/sào, chỉ bằng phân nửa so với phương pháp cấy truyền thống - NV) và công lao động, rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 7-10 ngày, rất phù hợp với cơ cấu 3 vụ của thành phố; Do gieo thưa, nông nên lúa đẻ sớm, đẻ khỏe, tỷ lệ bông hữu hiệu cao, ruộng lúa thông thoáng, hạn chế sâu bệnh, năng suất tăng trung bình từ 7-10% so với lúa cấy.

Từ việc giảm chi phí, tăng năng suất nên cho hiệu quả kinh tế cao, 1 ha gieo thẳng cho lợi nhuận cao hơn so với phương pháp gieo cấy truyền thống bình quân 5 triệu đồng/ha. Mặt khác áp dụng kỹ thuật gieo thẳng lúa theo hàng còn giải phóng sức lao động trong nông nghiệp, đặc biệt là giải phóng công việc cấy lúa vốn nặng nhọc cho chị em phụ nữ không phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nữa.

 Gieo thẳng bằng công cụ còn góp phần thay đổi tập quán sản xuất lúa, tạo sự liên kết trong sản xuất, thúc đẩy việc dồn điền đổi thửa (có dồn điền đổi thửa, ruộng rộng mới thuận lợi trong việc đưa công cụ xuống đồng, cho việc gieo tập trung - NV), tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện để hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, là tiền đề đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Gieo thẳng đồng thời là giải pháp hữu hiệu để giải quyết khâu thời vụ và khâu mạ nhất là trong sản xuất vụ xuân, đỡ tốn một phần kinh phí mua nylon chống rét cho mạ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; vụ mùa nếu gặp thiên tai, mưa lũ làm chết mạ, lúa mới cấy cần phải khắc phục khâu thời vụ, gieo thẳng theo hàng là giải pháp tối ưu nhất.

Nói một cách công bằng, vẫn còn có những tồn tại của Hà Nội trong việc phát triển lúa gieo thẳng. Về chủ quan vẫn còn một số nơi lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền cũng như HTX chưa tin tưởng vào tiến bộ kỹ thuật mới này vì vậy chưa cương quyết trong chỉ đạo, thông tin tuyên truyền còn hạn chế nên chưa làm thay đổi được tập quán của bà con nông dân. Bên cạnh đó còn có lý do khách quan là một số nơi hệ thống thủy lợi chưa chủ động đáp ứng được việc tưới tiêu cho sản xuất, không thành lập tổ dịch vụ, các hộ dân chưa liên kết với nhau, không gieo cùng ngày thành vùng tập trung…

 Đặc biệt ở những khâu thiên về kỹ thuật cũng có lỗi như làm đất chưa được kỹ, cỏ chưa được làm sạch; một số diện tích sau khi gieo bị chim chuột phá hại làm mất khoảng lớn nên các hộ đã phá bỏ lúa gieo thẳng chuyển sang lúa cấy; bị úng ngập phải gieo sạ lại, gây mất hiệu lực của thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm phải xử lý bằng thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm…khiến cho việc gieo thẳng không thể hiện được ưu thế nên không được mở rộng một cách suôn sẻ. Tuy nhiên có thể khẳng định về cơ bản Hà Nội là một địa phương mạnh trong áp dụng gieo thẳng bằng công cụ ở miền Bắc.

Liên kết nhóm hộ liền kề

Tại sao Hà Nội mỗi năm mở rộng được 3.000-5.000 ha lúa gieo thẳng mà nhiều địa phương khác vẫn còn đang mướt mồ hôi, loay hoay với việc áp dụng phương pháp này với một diện tích rất khiêm tốn? Bài học kinh nghiệm là cần có cơ chế chính sách hỗ trợ, nâng cao vai trò của Ban quản lý HTX. Vì sao?

Thành phố Hà Nội phấn đấu từ nay đến năm 2015 mỗi năm mở rộng thêm được từ 5-10.000 ha, riêng năm 2011 phấn đấu mở rộng diện tích lúa gieo thẳng theo hàng lên trên 15.000 ha.

Nếu gieo thẳng cứ để từng hộ nông dân làm sẽ tốn tiền (mua công cụ), tốn công (làm đất, ngâm ủ, gieo…) nên ít hiệu quả. Phải có HTX đứng ra là đầu mối thành lập các tổ dịch vụ chuyên ngâm ủ, làm đất và gieo tập trung, gieo cùng giống, cùng thời điểm mới giảm chi phí, đúng kỹ thuật, tiện cho việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Tạo sự liên kết giữa các hộ, nhóm hộ liền kề.

Về kỹ thuật, gieo thẳng cần tuân thủ đúng quy trình, vụ xuân sau khi gieo vẫn còn gặp rét, phải đảm bảo giữ đủ ẩm sau khi gieo, vụ mùa thời vụ gieo gặp nắng nóng, mưa bão thất thường vì vậy phải tạo lớp bùn mới trên mặt đất để khi gieo hạt mống chìm trong bùn. Sau khi gieo phải đắp trổ bờ, giữ nước ở rãnh để nếu mưa, nước dâng lên, hạt mống không bị trôi dạt, sau đó mới tháo nước từ từ. Mặt khác thời gian thu hoạch vụ xuân đến làm mùa rất ngắn, vì vậy sau khi thu hoạch lúa xuân cần tiến hành bừa dập rạ ngay, đồng thời bón vôi bột để nhanh hoai gốc rạ, ngâm ruộng ít nhất trong vòng một tuần mới làm đất lại để gieo nếu không các hạt thóc còn rơi rụng ở vụ xuân sẽ nảy mầm, tốn rất nhiều công nhổ bỏ.

Một điểm mới mà Hà Nội đang tiến hành là tạo sự liên kết giữa các hộ, nhóm hộ liền kề, gắn gieo thẳng lúa theo hàng với việc đưa máy gặt đập liên hợp xuống đồng mà điển hình là các HTX Thụy Hương (Chương Mỹ), Yên Thường, Đa Tốn (Gia Lâm)…