00:00 Số lượt truy cập: 3226925

Bình Định - Phát triển chăn nuôi bò sữa: Chuyển biến tích cực 

Được đăng : 03/11/2016

Sau một thời gian “èo uột”, các hộ chăn nuôi bò sữa (CNBS) đã từng bước nâng cao chất lượng đàn bò; có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc chăm sóc; đầu ra sản phẩm khá ổn định. Hiện nay nghề CNBS đã có bước chuyển biến tích cực.

 


Để CNBS đạt hiệu quả kinh tế, người chăn nuôi phải có vốn lớn, hiểu biết thấu đáo về quy trình chăm sóc, dinh dưỡng cho đàn bò… Tuy nhiên, không phải hộ chăn nuôi bò sữa nào cũng hội đủ các yếu tố nói trên. Chẳng hạn như ở khu chăn nuôi bò sữa tập trung (KCNBSTT) Nhơn Tân (An Nhơn) trước đây, nhiều chủ trang trại CNBS chạy theo số lượng, mua phải bò giống kém chất lượng, đầu tư chăm sóc không đúng mức, nên bò sữa èo uột, thu chỉ bù chi, có hộ bị thua lỗ nặng, có người đã bỏ cuộc giữa chừng.

* Niềm tin trở lại

Thời gian gần đây, các chủ trang trại CNBS đã chú trọng đến chất lượng đàn bò, tuyển chọn con giống theo hướng “ít mà tinh”, đầu tư chăm sóc chu đáo hơn trước. Bên cạnh đó, giá sữa tăng, đầu ra sản phẩm thuận lợi hơn, nên hầu hết các trang trại, gia trại CNBS đã bắt đầu có lãi. Ông Nguyễn Ngọc Lang, một chủ trang trại bò sữa ở KCNBSTT Nhơn Tân, cho biết: “Tôi đã loại thải những con bò giống kém chất lượng; tất cả các khâu chăm sóc (thức ăn, thú y, vắt sữa, dẫn tinh, phối giống, vệ sinh cho bò, chuồng trại…) đều được thực hiện chu đáo, nghiêm ngặt theo đúng quy trình kỹ thuật, nên đàn bò phát triển tốt. Hiện trang trại của tôi có 26 con bò sữa, trong đó có 20 con đang cho sữa, bình quân mỗi ngày thu nhập trên 470.000 đồng tiền bán sữa, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 200.000 đồng”. Một chủ trang trại khác là bà Bùi Thị Minh Vân, tâm sự: “Năm trước, chi phí đầu vào quá cao, nhưng giá sữa thấp, nên thu không bù nổi chi. Bình quân mỗi tháng, gia đình tôi bị thua lỗ trên 1 triệu đồng. Tôi đã định “bán đổ bán tháo” cả đàn bò, nhưng vì tiếc công tiếc của nên gắng sức duy trì. Năm nay, nhờ chủ động được thức ăn cho bò, giảm được chi phí đầu vào, giá sữa lại tăng nên đã có lãi”.

KCNBSTT Nhơn Tân hiện có 15 trang trại chăn nuôi 313 con bò sữa, trong đó có 198 con bò sinh sản. 6 tháng đầu năm nay, các chủ trang trại đã thu trên 164,7 tấn sữa. Các chủ trang trại ở đây đang có ý định thành lập HTX chăn nuôi, đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sữa tươi…

Ở thị trấn Ngô Mây (Phù Cát), hiện 13 hộ nuôi 131 con bò sữa. Trong đó, có 57 con đang cho sữa, bình quân 13 kg/con/ngày, cá biệt có con cho 20 kg sữa/ngày. Sau khi trừ chi phí mỗi hộ còn lãi trên 100 ngàn đồng/ngày. Cả 13 hộ đều đầu tư xây dựng chuồng trại khang trang, mở rộng diện tích trồng cỏ voi, mua sắm trang thiết bị phục vụ chăn nuôi… và đều tỏ ra lạc quan với nghề chăn nuôi bò sữa.

Anh Nguyễn Bốn, ở khu An Kiều, thị trấn Ngô Mây, cho biết: “Tôi nuôi 10 con, trong đó có 8 con cho sữa, bình quân mỗi ngày thu được 90 lít sữa, với giá sữa hiện nay 4.700 đồng/lít (bán cho HTX, nếu bán trực tiếp cho nhà máy thì giá 5.000đ/lít), thu trên 400.000 đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 100.000 đồng. Người CNBS thành công nhất ở đây là anh Lê Quang Vinh. Anh vay 115 triệu mua 8 con bò giống, sau hơn 3 năm, chưa kể tiền bán sữa, anh thu được 170 triệu đồng từ tiền bán bò giống và bê đực. Anh đã trả hết nợ vay, còn lại đang nuôi 8 con (trị giá từ 120-140 triệu đồng). Hiện nay anh Vinh vừa là cán bộ kỹ thuật của tổ chăn nuôi bò sữa thuộc Trung tâm KHKT vật nuôi tỉnh, vừa là Chủ nhiệm HTX Bò sữa Phù Cát.

* Để nghề CNBS phát triển

Thời gian qua, bên cạnh sự nỗ lực của người chăn nuôi, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã có nhiều tác động tích cực giúp các hộ CNBS. Ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm KHKT vật nuôi tỉnh- đơn vị quản lý KCNBSTT Nhơn Tân- cho biết: Trung tâm đã cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, chế biến thức ăn bò sữa; giúp các chủ trang trại xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình chăn nuôi, đồng thời tổ chức thu mua sữa bò. Bên cạnh đó, BQL KCNBSTT Nhơn Tân đã tăng cường các biện pháp bảo vệ khu chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn bò sữa; phối hợp với UBND huyện An Nhơn di dời một số hộ dân ra khỏi khu chăn nuôi, ngăn cấm người dân địa phương thả rông gia súc trong KCNBSTT.“Trong tháng 6 này, chúng tôi sẽ xây dựng một số mô hình trồng cỏ, nhằm chuyển giao kỹ thuật, giúp các chủ trang trại thay các giống cỏ đã bị thoái hóa; hỗ trợ máy ép rơm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các chủ trang trại phát triển chăn nuôi” - ông Hùng nói.

Còn ở Phù Cát, chính quyền địa phương đã xây dựng KCNBSTT tại thôn An Hành Tây, thị trấn Ngô Mây, nhằm di dời chuồng trại CNBS ở thị trấn Ngô Mây vào đây, tạo điều kiện cho bà con phát triển nghề CNBS; đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu dân cư. Đến nay, có 9 hộ đã đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng cỏ và thả nuôi bò sữa tại KCNBSTT.

Ông Đặng Ngọc An, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: “Huyện đã trích ngân sách trên 2,4 tỉ đồng để san ủi mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại KCNBSTT. Diện tích khu chăn nuôi rộng 10 ha, đã giao cho 9 hộ mỗi hộ 1 ha và 1 ha giao cho HTX Bò sữa Phù Cát. Các hộ CNBS được thuê đất dài hạn với giá thấp, chỉ 50.000 đồng/ha/năm. Huyện sẽ mở rộng KCNBSTT, tiếp tục cấp đất cho các hộ CNBS trên địa bàn thị trấn Ngô Mây, tạo điều kiện mở rộng chuồng trại, tăng diện tích trồng cỏ, nhằm nâng đàn, phát triển chăn nuôi ở khu vực này. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo cho HTX Bò sữa Phù Cát xây dựng cơ sở chế biến phụ phẩm nông nghiệp cung cấp cho các hộ chăn nuôi, giúp các hộ tiêu thụ sản phẩm…