Từ lâu, phong trào nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt đã phát triển ở địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Bình Định, thế nhưng cá chình vẫn là con nuôi lạ lẫm. Tuy nhiên, sau thành công của mô hình nuôi thử nghiệm tại xã An Hoà (An Lão), nhiều hộ dân đã tìm đến giống thủy sản có giá trị kinh tế cao này.
Chỉ với 200m2 mặt nước, ông Nguyễn Thanh Phước ở xã An Hoà đã tạo cho gia đình mình “kế sinh nhai”. Được sự trợ giúp của Trung tâm Khuyến ngư và Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thuỷ sản Bình Định, ông Phước mạnh dạn đưa cá chình lên vùng đồi núi này. Trong cái hồ 200m2, ông thả nuôi gần 100 con cá chình bông. Sau hơn 8 tháng nuôi, từ 250-300g/con giống, cá chình trong hồ nuôi của ông Phước đã đạt bình quân 1kg/con, cá biệt có con gần 2kg/con. Với giá thu mua 280.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông Phước cầm chắc trong tay hàng chục triệu đồng tiền lãi. Theo tính toán của ông Phước, nếu thả nuôi đúng mật độ trong toàn bộ diện tích 200m2 hồ thì sau 8 tháng nuôi có thể thu được đến 60 triệu đồng tiền lãi.
Kỹ thuật nuôi cá chình cũng không quá khó. Ông Phước cho biết: “Đòi hỏi cao nhất của cá chình là môi trường nước luôn sạch nên phải thay nước liên tục. Cá chình là loài thích ở trong hang nên dưới đáy hồ dùng đá xây hang, tạo điều kiện sống tốt nhất cho chúng. Vấn đề cho ăn cũng không thể tuỳ tiện mà phải chọn thời điểm thích hợp. Từ 18 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau là thời gian cho ăn mang lại hiệu quả cao nhất. Thức ăn chủ yếu của cá chình là mồi tươi và cá hố. Thế nhưng để giảm chi phí, ngoài mua cá hố, tôi tranh thủ ra đồng bắt cua, nhái và thả lưới để kiếm thêm cá bổ sung vào nguồn thức ăn cho chúng. Ngoài ra, tôi còn xây ô trên diện tích 50m2 đất trong vườn để nuôi trùn quế, đó cũng là một món mồi tươi rất “khoái khẩu” của lũ cá chình. Nhờ chủ động tìm nguồn thức ăn tại chỗ nên mỗi tháng tôi chỉ mất 600.000 đồng chi phí mua thức ăn cho chúng”.
![]() |
Tham quan mô hình nuôi cá chình. |