00:00 Số lượt truy cập: 3229388

Bình Định: Đầu tư rộng tay cho cây mía 

Được đăng : 03/11/2016
Kết thúc niên vụ ép 2008-2009, Cty CP Đường Bình Định (BISUCO) chỉ sản xuất đạt 80% kế hoạch, nguyên nhân do thiếu nguyên liệu. Để thu hút nông dân quay lại với cây mía, không gì khác hơn là phải làm tăng thu nhập cho người trồng mía.

Nguyên nhân chính khiến nhiều năm qua người trồng mía ở Bình Định có thu nhập thấp là do năng suất quá “hẻo”, bình quân toàn tỉnh chỉ đạt từ 45 đến 50 tấn/ha. Theo tính toán của người trồng mía, với năng suất này, dù giá bảo hiểm của công ty đạt mức 450.000đ/tấn thì sau khi trừ mọi chi phí, người trồng mía cũng chỉ còn lãi khoảng 2 triệu đồng/ha, quá thấp!

“Chúng tôi phải nhanh chóng đưa đến nông dân nhiều loại giống mía mới có tiềm năng năng suất cao và hướng dẫn họ ứng dụng kỹ thuật trồng mía tiên tiến để tăng hiệu quả kinh tế”, ông Phan Lâm Tường - Phó Tổng Giám đốc BISUCO tâm sự.

Trong năm vừa qua, BISUCO đã du nhập về các giống mía mới của Thái Lan, Trung Quốc, Mexico… để trồng thay thế các giống mía cũ. Các giống mía mới được trồng khảo nghiệm tại các vùng nguyên liệu trọng điểm gồm: R579, R570, K88-65, K88-92… và giống mía mới của Mexico. Nếu đầu tư thâm canh đúng mức, các giống mía trên sẽ cho năng suất đạt từ 120-150 tấn/ha, đây quả là một cuộc cách mạng về năng suất cho cây mía ở Bình Định. Về các khoản đầu tư cho các giống mới này nông dân cũng không phải lo lắng vì BISUCO đã có chính sách khuyến khích bằng cách: cho nông dân mượn không tính lãi từ 9 đến 15 triệu đồng/ha/vụ đối với diện tích mía trồng mới, trong đó hỗ trợ không hoàn lại 2 triệu đồng.

Không chỉ vậy, trong vụ trồng mới 2008-2009, BISUCO đã đầu tư hàng tỷ đồng để mua sắm các phương tiện cơ giới giúp nông dân thuận lợi trong việc làm đất thay cho cách làm thủ công. Song song, BISUCO xây dựng nhiều mô hình trồng mía hàng đôi. Ưu điểm của kỹ thuật này là số cây mía được trồng nhiều hơn trên cùng 1 diện tích nên năng suất cho cao hơn, thuận lợi cho việc dùng phương tiện cơ giới làm cỏ mía, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh và trong thời điểm mía còn nhỏ, nông dân còn có thể trồng xen đậu phộng trên những diện tích đất trống giữa 2 hàng mía kiếm thêm thu nhập.

Nông dân Võ Hữu Thành ở thôn Tả Giang, xã Tây Giang (Tây Sơn) phấn khởi: “Với chính sách đầu tư rộng tay của BISUCO hiện nay cộng với việc đưa về các giống mía mới cho năng suất cao đã khiến nông dân chúng tôi đồng loạt quay về với cây mía.

Gia đình tôi vừa trồng mới 5 sào giống Mexico, đến nay mới hơn 7 tháng mà mía phát triển cao gần 2,5m. Nhìn “bộ dạng” của chúng tôi có thể ước tính năng suất mía sẽ cho được 120 tấn/ha. Chỉ cần đạt 2/3 năng suất trên, với giá bảo hiểm của BISUCO là 450.000đ/tấn thì sau khi trừ chi phí chúng tôi sẽ có thu nhập cao hơn nhiều so với những năm trước".

Đặc biệt, BISUCO vừa thử nghiệm thành công việc dùng thuốc trừ cỏ đặc dụng cho cây mía hiệu Atramex combi 80WP làm giảm chi phí làm cỏ cho cây mía xuống chỉ còn rất thấp và hầu hết các hộ trồng mía trên địa bàn Bình Định đang áp dụng vào đồng mía của mình. Nông dân Nguyễn Văn Phẩm ở thôn Phú Thịnh, xã Tây Phú (Tây Sơn) tính toán: “Mỗi năm chúng tôi làm cỏ mía 2 lần, mỗi ha phải mất đến 60 công nhổ cỏ mía, chi phí khoảng 3 triệu đồng. Năm nào mưa nhiều, cỏ phát triển nhanh thì chi phí ấy còn cao hơn.

Giờ dùng thuốc Atramex combi 80WP, mỗi ha cỏ lớn tôi chỉ dùng 4 kg, giá 150.000đ/kg, cỏ nhỏ chỉ dùng 2kg thuốc là “triệt” hết cỏ. Tính thêm công phun 10.000đ/bình, mỗi ha mía phun 20 bình thì tổng chi phí diệt cỏ cho 1 ha mía chỉ tốn từ 500.000đ-700.000đ, chưa bằng 1/3 chi phí theo cách làm thủ công như trước đây. Dùng thuốc trừ cỏ này không hề ảnh hưởng đến cây mía lại diệt cỏ được lâu, diệt được nhiều loại cỏ cùng lúc. Nhờ không bị cạnh tranh dinh dưỡng nên cây mía phát triển rất tốt, năng suất cho cao”. Làm 1 bài toán đơn giản, cả ở Bình Định và An Khê, BISUCO có khoảng 7.500ha mía nguyên liệu, thực hiện trừ cỏ bằng thuốc thay cho cách làm thủ công, mỗi ha tiết kiệm được 2 triệu/vụ thì cả vùng nguyên liệu mỗi năm nông dân sẽ tiết kiệm được khoảng hơn 15 tỷ đồng.