Đáng lưu ý là, một đợt rầy nâu mới sẽ bùng phát mạnh vào đầu tháng 3 tiếp tục gây hại lúa ĐX chân 2 vụ... Hiện nay, lúa ĐX trên địa bàn Bình Định đang giai đoạn trổ đòng, ngậm sữa, một số trà lúa sớm đã bắt đầu trổ bông. Tuy nhiên, từ giữa tháng 2 đến nay, một đợt rầy nâu, rầy lưng trắng với mật độ khá cao ào ạt tấn công lúa với tổng diện tích bị hại lên đến 1.400ha, mật độ rầy phổ biến từ 3.000 - 5.000 con/m2, có nơi tới 5.000 - 15.000 con/m2, gây hiện tượng lúa cháy chòm cục bộ. Các địa phương có diện tích lúa bị rầy gây hại chủ yếu là Phù Cát (trên 750ha), Tây Sơn (189ha), Hoài ân 140ha, An Nhơn (130ha), Phù Mỹ (40ha), Hoài Nhơn (40ha), Tuy Phước (25ha)... Ông Thân Trọng Thủy, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Phù Cát cho biết, ở một số địa phương, việc phòng trừ rầy nâu chưa hiệu quả do nông dân phun thuốc không đúng quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, đối với rầy nâu, việc phun thuốc đòi hỏi phải thực hiện nghiêm ngặt theo nguyên tắc “4 đúng” mới phát huy hiệu quả”. Theo ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, nguyên nhân làm cho rầy nâu và rầy lưng trắng phát sinh mạnh là do sự chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm khá lớn, kèm theo đó là các đợt nắng nóng kéo dài. Bên cạnh đó, nhiều nông dân còn sử dụng các giống lúa đã bị nhiễm rầy để sản xuất như: ải 32, Khang Dân 18... Trước tình hình dịch rầy trên, ngành BVTV tỉnh Bình Định đã phối hợp với các công ty sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV, các địa phương tổ chức tập huấn về phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng; hướng dẫn nông dân các biện pháp diệt trừ, đồng thời cử cán bộ phối hợp cùng bà con đến tận ruộng để hướng dẫn phun thuốc diệt rầy đúng cách. Nhờ vậy, dịch rầy nâu và rầy lưng trắng cơ bản đã được khống chế. Theo dự báo của Chi cục BVTV tỉnh, từ ngày 2-15/3, trên diện tích lúa ĐX chân 2 vụ ở Bình Định sẽ tiếp tục hứng chịu một đợt rầy nâu mới với số lượng rầy khá lớn. Đợt rầy này sẽ tấn công diện tích lúa đang trong giai đoạn trổ bông. Nếu không chủ động phòng chống, nguy cơ lây lan ra diện rộng là khá cao. Ông Phát lưu ý, để diệt rầy nâu hiệu quả, ít tốn kém, bà con phải thực hiện quy tắc phun thuốc “4 đúng”: đúng lúc, phun thuốc khi rầy 1-3 ngày tuổi (rầy cám), mật độ rầy 3-4 con/tép lúa; đúng cách, bơm nhiều nước vào ruộng trước khi phun để đuổi rầy di chuyển lên phần trên cây lúa, phun thuốc sát mặt nước nơi rầy đeo bám chích hút; đúng thuốc, theo khuyến cáo của ngành BVTV; đúng liều lượng, theo hướng dẫn ghi trên bao bì thuốc.
|