00:00 Số lượt truy cập: 3228703

Bình Định: Giải pháp đảm bảo sản xuất nông nghiệp trong điều kiện hạn hán nặng 

Được đăng : 03/11/2016
Vụ sản xuất đông xuân năm 2006-2007, tỉnh Bình Định phải đảm bảo nước tưới cho 53.500 ha, trong đó diện tích lúa là 46.000 ha và diện tích cây màu là 7.500 ha. Tuy nhiên, khi bước vào đầu vụ sản xuất, tình hình thời tiết khô hạn đã không thuận, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã sớm đề ra các giải pháp khắc phục nguy cơ hạn hạn, nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh trong điều kiện khắc nghiệt nhất.


* Khí hậu khô hạn, hồ chứa nước nguy cơ cạn kiệt

Theo Trung tâm khí tượng thuỷ văn Nam Trung bộ và Đài khí tượng thuỷ văn tỉnh Bình Định, đến nay đã gần kết thúc mùa mưa lũ năm 2006, nhưng lượng mưa đo được ở các Trạm trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay chỉ đạt từ 50 đến 70% so với cùng kỳ năm trước và bằng 50% mức bình quân của nhiều năm gần đây. Nếu so với 4 tháng mùa mưa bình quân, thì lượng mưa từ tháng 9 đến cuối tháng 11 năm 2006 chỉ đạt từ 30 đến 35%.

Tỉnh Bình Định hiện có 154 hồ chứa nước thuỷ lợi lớn, nhỏ với tổng dung tích theo thiết kế đạt 340 triệu m3 nước và đảm bảo nhu cầu nước tưới cho khoảng 45.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên đến cuối tháng 11 này, dung tích các hồ chứa cũng chỉ đạt 70 triệu m3 (so với cùng kỳ năm 2005 thì ở vào thời điểm này, các hồ chứa đã tích nước đạt 100% dung tích thiết kế), trong đó có nhiều hồ chứa lớn do tỉnh quản lý như hồ Núi Một tại huyện An Nhơn có dung tích thiết kế 110 triệu m3, thì đến nay chỉ tích được khoảng trên 42 triệu m3; hồ Hội Sơn - Phù Cát có dung tích thiết kế 45,65 triệu m3, đến nay cũng chỉ tích được 9,37 triệu m3 và hồ Thuận Ninh - Tây Sơn, dung tích thiết kế 35,36 triệu m3, đến nay cũng chỉ tích được 5,45 triệu m3 nước...; còn 143 hồ vừa và nhỏ khác do các địa phương trong tỉnh quản lý có tổng dung tích thiết kế đạt 110, 36 triệu m3, thì đến nay cũng chỉ tích được tổng cộng trên 27 triệu m3 nước, đạt gần 25%. Mặt khác, lưu lượng dòng chảy trên các sông, suối của tỉnh Bình Định cũng bị suy giảm nghiêm trọng. So với các năm trước cũng tại thời điểm cuối tháng 11 năm trước các sông lớn tại tỉnh Bình Định như: sông Kôn, La Tinh, Lại Giang và sông Hà Thanh, dòng chảy đạt tốc độ 1.000 m3/ giây, thì đến nay dòng chảy không chỉ đã bị thu hẹp và tốc độ đã giảm xuống còn từ 3 đến 7 m3/giây.

* Giải pháp đảm bảo sản xuất nông nghiệp

Ông Trần Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: đến nay có thể khẳng định được rằng chưa có năm nào sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bình Định lại gặp khó khăn hạn hán gay gắt như năm 2006-2007. Để khắc phục tình hình thiếu nước đảm bảo phục vụ sản xuất vụ đông xuân và nước sinh hoạt cho dân sinh, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã đề ra giải pháp: tăng cường công tác kiểm tra an toàn hồ chứa, xử lý các cống lấy nước để tích nước, tránh bị rò rỉ mất nước, nhất là các cống vận hành theo kiểu nút bậc thang; theo dõi tình hình thời tiết, chuẩn bị xuống các đập bổi, đập dâng để giữ nước trên các sông, suối, kiểm tra và quản lý chặt chẽ nguồn nước tại các hồ chứa, xây dựng kế hoạch tưới cụ thể và gieo sạ theo đúng thời vụ, thực hành tiết kiệm nước và tận dụng các nguồn nước cơ bản các sông suối, khi thật cần thiết mới sử dụng nước ở các hồ chứa; tiến hành nạo vét, tu bổ kênh mương, để đảm bảo không mất nước trong quá trình dẫn nước đến đồng ruộng; ưu tiên hàng đầu cho công tác sử dụng nước cho đời sống dân sinh và gia súc; tập trung chuyển đổi mạnh mẽ sang cây trồng cạn, chủ yếu là cây ngô lai và lạc; thành lập hội đồng phân phối nước để điều phối nước hợp lý cho công tác sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân, nhất là những vùng thường xẩy ra tranh chấp nguồn nước trong tình hình quá căng thẳng; chuẩn bị phương án, thiết bị, nhiên liệu và nhân lực để chống hạn khi cần thiết.../.