Đến nay, các địa phương của tỉnh Bình Định đã nỗ lực khắc phục hậu quả của đợt lũ muộn với phương châm "nước rút đến đâu, gieo sạ lúa đông xuân trở lại đến đó" để đảm bảo thực hiện đúng lịch thời vụ quy định đến ngày 15/1 và chậm nhất là ngày 20/1.
Tại huyện Phù Cát, đợt lũ lụt vừa qua đã làm mất trắng 1.745 ha lúa đông xuân vừa gieo sạ xong. Được tỉnh hỗ trợ 160 tấn giống, trong đó có 20 tấn giống lúa lai, nông dân phải tập trung gieo sạ trở lại 1.545 ha trước ngày 15/1, còn 200 ha phải dùng giống lúa ngắn ngày ở chân ruộng 2 vụ để gieo sạ lại sau Tết. Tỉnh còn hỗ trợ huyện Phù Cát 9 tỷ đồng, trong đó 6 tỷ đồng sửa chữa gấp đê Bà Sề, xã Cát Hanh đang có nguy cơ bị vỡ, 3 tỷ đồng còn lại thuê máy và nhân công khắc phục tình trạng sa bồi thuỷ phá đồng ruộng, tu sửa các công trình giao thông, thuỷ lợi, đê điều bị sạt lở nặng trước đó.
Huyện An Nhơn cũng bị hư hại nặng 1.100 ha lúa, tỉnh đã hỗ trợ 60 tấn giống, trong đó có 20 tấn giống lúa lai. Huyện khẩn trương phân bổ giống cho dân và phấn đấu gieo sạ lại đến ngày 15/1 hoàn thành. Riêng diện tích bị sa bồi thuỷ phá trên 90 ha, phải dùng phương tiện cơ giới khắc phục và chuyển sang cây trồng cạn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Chí Quang, Chánh Văn phòng UBND huyện Tây Sơn cho biết: Toàn huyện có 775,9 ha lúa bị hư hỏng nặng phải gieo sạ lại. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 40 tấn giống, trong đó có 30 tấn giống lúa lai. Nông dân đang ra đồng gieo sạ lại, phấn đấu hoàn thành vào ngày 15/1. Tỉnh còn hỗ trợ 1 tỷ đồng khắc phục sa bồi thuỷ phá 51 ha đồng ruộng để chuyển sang cây trồng cạn.
Tại thành phố Quy Nhơn, Thành đoàn Quy Nhơn đã huy động trên 700 đoàn viên thanh niên và học sinh về giúp xã Nhơn Phú khắc phục hậu quả sa bồi thuỷ phá đồng ruộng. Ngày đầu 8/1 đã giúp dân san lấp cải tạo đồng ruộng với khối lượng trên 5.000 m3 đất cát và giao ruộng cho nông dân chuẩn bị gieo sạ lại lúa đông xuân.
Thiệt hại nặng nhất là huyện Tuy Phước với gần 3.000 ha lúa đông xuân bị hư hỏng hoàn toàn. Đến nay tỉnh đã phân bổ cho huyện 295 tấn giống, trong đó có 20 tấn giống lúa lại. Huyện chỉ đạo nước rút đến đâu tiến hành vệ sinh đồng ruộng, gieo sạ lại đến đó và phấn đấu đến ngày 15/1 cơ bản gieo sạ lại diện tích đã bị mất trắng. Riêng tình trạng sa bồi thuỷ phá nặng nhất tại xã Phước Nghĩa, huyện chỉ đạo huy động nhân công địa phương cùng với máy móc tiến hành khắc phục, chuyển số diện tích này sang cây trồng cạn.