Tại xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Dự án phòng ngừa giảm nhẹ tác động của hạn hán (CARE) tổ chức Hội thảo tổng kết mô hình trình diễn sản xuất lúa gieo khô thực hiện ở vụ 3 năm 2008. Mô hình thực hiện tại hai thôn Vĩnh Bình và Văn Trường với quy mô mỗi điểm 01 ha bằng kinh phí hỗ trợ của dự án.
Bà con nông dân tham gia mô hình được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn thực hiện sản xuất lúa gieo khô vụ 3 theo quy trình thâm canh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Mô hình sử dụng giống lúa Ma lâm 202 có khả năng chịu hạn tốt. Bằng việc tác động các biện pháp kỹ thuật thâm canh, áp dụng mật độ gieo hợp lý (7,5- 8 kg giống/sào), bón phân cân đối và sử dụng hợp lý các loại phân bón qua lá hỗ trợ cho cây lúa phát triển, mô hình đã cho năng suất lúa đạt từ 45,9- 52 tạ/ha, cao hơn lúa gieo khô đại trà tại địa phương từ 15- 20 tạ/ha.
Kết quả này giúp cho bà con nông dân có lãi từ 1,5- 2 triệu đồng hơn hẳn so với trước đây. Theo chị Nguyễn Thị Cúc, nông dân tham gia mô hình tại thôn Vĩnh Bình tâm sự: “Đất ở đây, nắng là hạn khô nẻ đất nhưng mưa xuống là ngập úng xì phèn. Một năm chỉ sản xuất được vụ lúa Đông xuân sạ cưỡng năng suất cũng rất thấp, còn vụ hè và vụ 3 thì thường phải bỏ hóa. Nếu có làm lúa gieo vụ 3 thì năng suất cũng rất thấp có khi thất thu vì bà con chúng tôi quen làm theo tập quán cũ, phó mặc cho trời. Được Trung tâm Khuyến nông và dự án quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư phân bón đầy đủ, nhất là sử dụng phân bón qua lá đã đem lại hiệu quả, giúp bà con chúng tôi lần đầu sản xuất có lãi”.
Đây không phải là vụ đầu tiên bà con nông dân 2 thôn Vĩnh Bình và Vân Trường của xã Mỹ Phong được Dự án đầu tư mà ở vụ hè vừa qua cũng trên chân đất tại 2 điểm mô hình này, bà con đã được hỗ trợ để thực hiện mô hình trồng vừng (thôn Vĩnh Bình) và trồng ngô lai (thôn Vân Trường) đạt năng suất 11,2 tạ vừng/ha, 60 tạngô lai/ha.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định cho biết, thực hiện mục tiêu của Dự án là giảm nhẹ tác động của hạn hán, trong vụ Đông xuân tới Trung tâm sẽ tiếp tục hướng dẫn bà con nông dân sản xuất thâm canh 1 vụ lúa thuần nữa để giúp bà con không chỉ nắm vững kỹ thuật thâm canh cây lúa mà còn chuyển giao công thức luân canh cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương là “Lúa thuần (có thể là lúa lai) Đông xuân - cây màu (ngô lai hoặc vừng) vụ hè và lúa gieo khô vụ 3” đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp bà con cải thiện đời sống và vươn lên làm giàu. Từ kết quả này, huyện Phù Mỹ và UBND xã Mỹ Phong đã có kế hoạch để hướng dẫn và hỗ trợ bà con nông dân trong xã mở rộng sản xuất theo mô hình này trong thời gian tới.