Cụ Nhi kể: “Lúc tôi còn nhỏ, cha tôi cùng một số người khác trong làng ra tận miền Bắc học nghề, hình thành nên làng nghề khảm xà cừ Cẩm Văn. Tôi bước vào nghề năm 15 tuổi. Sau 2 năm, tôi đã khảm được một số sản phẩm có hoa văn, họa tiết phức tạp như bình phong tam sơn, câu liễn, câu đối, tủ thờ... với những hình long, lân, quy, phụng... cách điệu, hoặc những phong cảnh, điển tích với nét khảm mềm mại, tinh xảo”.
Thời kỳ chiến tranh, đời sống khó khăn nên nghề khảm xà cừ không có đầu ra. Nhiều hộ làm nghề ở Cẩm Văn lần lượt giã từ dùi, đục. Duy chỉ có gia đình cụ Nhi còn lưu luyến với nghề. Anh Trần Văn Hùng, con trai trưởng của cụ kể: “Bị ảnh hưởng bởi lòng đam mê của cha nên dù khó khăn tôi và 4 đứa em vẫn quyết tâm không bỏ nghề”.
“Đồ khảm xà cừ bắt đầu “ăn” mạnh từ năm 2000. Càng về sau, khi phong trào khôi phục từ đường với những hoành phi, câu đối, áng thờ... phát triển thì khảm xà cừ đắt như tôm tươi. Chúng tôi tập trung lại, người lo phần mộc, người chịu trách nhiệm tạo mẫu theo đơn đặt hàng, người lo khâu mài, tỉa, hoàn thiện. Khi nguồn ốc xà cừ trong nước khan hiếm, chúng tôi nhập nguyên liệu từ Indonesia, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc). Giá nguyên liệu càng cao, các công đoạn càng phải thực hiện cẩn thận. Hiện, ốc xà cừ loại 1 giá 40 triệu đồng/kg, loại thấp hơn cũng phải 5 - 20 triệu đồng/kg. Chúng tôi còn mua thêm ốc bào ngư (2 triệu đồng/kg) và ốc trai (100.000 đồng/kg) để làm hàng bình dân nhằm tăng thu nhập”, anh Hùng cho hay.
Nghề khảm xà cừ “lên ngôi”, làng quê Cẩm Văn như bừng lên không khí mới. Những người trước đây từng bỏ nghề nay bắt đầu mài lại dùi, đục để khôi phục nghề cũ. Thanh niên trong làng rủ nhau đi học khảm xà cừ. Anh Hùng vừa làm thợ, vừa làm thầy với tâm nguyện gây dựng làng nghề truyền thống. Anh Hùng cho biết: “Trông thì đơn giản nhưng để theo được nghề, người học phải rất chuyên tâm. Đầu tiên, phải biết chọn ốc phù hợp với từng chi tiết: ốc màu xanh, lục, tía dành cho đề tài tre, trúc và cây cảnh; màu vàng thể hiện hoa cúc, hoa mai hoặc cảnh ráng chiều; màu đỏ tía thể hiện đền, chùa, cảnh hừng đông. Tiếp đến là sáng tác mẫu theo mô tuýp truyền thống, các tích trong văn học dân gian. Tác phẩm có sinh động hay không là tuỳ vào trí tưởng tượng của người thợ... Làm xong một bộ sập gụ, một người phải mất 3 tháng; hoành phi, câu đối mất 1- 2 tháng. Vì thế, người thợ phải mất 3-3,5 năm học mới có thể ra nghề”.
Việc làm ăn thuận lợi, anh Hùng phải thuê thêm đất ở thôn Tiên Hoà (Nhơn Hưng) mở rộng cơ sở sản xuất và thành lập Doanh nghiệp tư nhân chuyên cẩn khảm xà cừ truyền thống Hồng Hà, doanh thu 700 - 800 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 40 công nhân, thu nhập bình quân 1 - 2 triệu đồng/người/tháng. Anh Hùng phấn khởi: “Sản phẩm khảm xà cừ của Hồng Hà đã được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Nếu được các cấp ngành chức năng tạo điều kiện, sản phẩm khảm xà cừ Cẩm Văn sẽ bay xa, làng nghề truyền thống sẽ phát triển mạnh hơn nữa”.